Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, dự án nhà máy sản xuất Waffer Technology của Perfect Light Co., LTD (Trung Quốc) có quy mô gần 9ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.250 tỉ đồng.
Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ. Nếu được chấp thuận đầu tư, Perfect Light cam kết sẽ đưa dự án vào hoạt động trong quý 1/2025.
Trước đó, Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery) đã 'bắt tay' với CTCP Tập đoàn Geleximco của ông Vũ Văn Tiền để xây nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Thái Bình.
Dự án này có quy mô khoảng 100ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 800 triệu USD (khoảng 19.600 tỉ đồng).
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, liên tục rót vốn vào các tỉnh thành lớn như Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An.
Trước Perfect Light, UBND tỉnh Hải Dương đã thông qua chủ trương đầu tư đối với hai dự án khác của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc với tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD.
Cụ thể, dự án văn phòng phẩm của Tập đoàn Deli (Trung Quốc) có quy mô khoảng 21,2ha, tổng mức đầu tư đăng ký 270 triệu USD, tại Khu công nghiệp Đại An mở rộng (huyện Cẩm Giàng).
Mục tiêu của dự án là sản xuất các sản phẩm văn phòng từ giấy, nhựa; sản phẩm hàng gia dụng, hồ, keo dán, thiết bị văn phòng, giáo dục, đồ dùng học sinh; máy tính điện tử cá nhân, máy hủy tài liệu, máy ép plastic, máy scan mã vạch, máy chấm công...
Tiếp đến là nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện mặt trời của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời BoViet – thành viên của Tập đoàn Boway (Trung Quốc) – có quy mô khoảng 20ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 120 triệu USD, tại Khu công nghiệp Cộng Hòa (Tp. Chí Linh).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, tỉnh Hải Dương hiện có 83 dự án FDI đến từ Trung Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 733 triệu USD, đứng thứ tư trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cuối tháng 10/2023, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam – thành viên của Jinko Solar Holding (Trung Quốc) – với tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Giang đã cấp giấy chứng nhận điều chỉnh vốn đăng ký đầu tư dự án sản xuất thanh Silic, tấm Silic và tế bào quang điện hiệu suất cao của Công ty TNHH JA Solar Việt Nam lên 10.971 tỉ đồng (477 triệu USD).
Tại Nghệ An, Công ty Innovation Precision Việt Nam thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc) dự kiến xây nhà máy hợp kim nhôm với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An.
Runergy, công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất pin mặt trời ở Trung Quốc sẽ xây nhà máy sản xuất thanh silicon và đĩa bán dẫn tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 (Nghệ An) với tổng vốn đầu tư lên tới 293 triệu USD (khoảng 6.900 tỉ đồng).
Tính đến tháng 11/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam hơn 4.160 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỉ USD. Riêng 11 tháng đầu năm 2023, có 632 dự án FDI đến từ Trung Quốc được cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỉ USD./.