Thông tin trên được các doanh nghiệp phản hồi tại "Hội nghị về Cải cách thủ tục hành chính" do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức sáng 27/9, tại Hà Nội .
Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương cần có hướng chỉnh sửa, để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế.
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp khí tỉnh Bình Định cho biết, việc quy định doanh nghiệp phải có số lượng LPG chai các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít là rất khó thực hiện với những doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa với mật độ dân cư thấp.
Để đáp ứng điều kiện này thì doanh nghiệp phải đầu tư ít nhất vài chục nghìn bình gas loại 12 kg và như vậy chỉ riêng tiền vỏ bình đã mất 4-5 tỷ đồng tiền vay ngân hàng, chưa kể các chi phí khác như nhà xưởng, bảo quản và nhân công... Nhưng quan trọng hơn số vỏ chai này sẽ không dùng hết, tồn trữ lớn nhưng lại chỉ để đối phó với điều kiện kinh doanh.
Trong khi đó, ông Trần Trung Nhật, Giám đốc Công ty Gas Thái Dương (Tây Ninh) cho rằng, Nghị định 19/CP có hiệu lực từ 15/5/2016 nhưng mỗi địa phương thực hiện một kiểu, riêng cấp giấy phép có địa phương cấp 2 năm, nhưng địa phương khác chỉ cấp 3 tháng do vậy doanh nghiệp không biết đâu để thực hiện.
Chưa kể việc chưa đầy 6 năm đã ban hành 2 Nghị định về kinh doanh Gas, nhưng thực tế khi có Nghị định mới thì điều kiện kinh doanh vẫn đầy mâu thuẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí khiến doanh nghiệp liên tục phải đi đối phó với chính sách.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, hiện lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao cho các Vụ, Cục chức năng tổng hợp lại ý kiến của doanh nghiệp kinh doanh Gas, trên cơ sở đó Bộ sẽ có hướng kiến nghị với Chính phủ để chỉnh sửa cho phù hợp.
Bộ Công thương sẽ cố gắng hết sức mang lại trật tự cho thị trường gas cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Để tránh những vụ việc tương tự, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, quá trình ban hành một văn bản quy phạm pháp luật trải qua rất nhiều bước, trong đó việc lấy ý kiến của đối tượng bị tác động là rất cần thiết, do vậy với quyền và nghĩa vụ liên quan, cộng đồng doanh nghiệp cần thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn giúp nâng cao chất lượng các văn bản luật.