|
Doanh nghiệp sản xuất ‘đói’ vốn. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất siêu của ngành dệt may đạt 11,07 tỉ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may vẫn đứng trước nhiều khó khăn, nhất là thiếu tiềm lực về vốn, tài chính, đặc biệt trong thời gian chống dịch vừa qua.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng đang đối diện với tình trạng 'khát' vốn.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ đầu tháng 8, các ngân hàng đều siết chặt tín dụng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc vay vốn để tiếp tục sản xuất.
"Tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Nghĩa là doanh nghiệp sẽ tồn kho, sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng (trong 1 tuần qua) đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân", ông Nam nói.
Cùng chung cảnh ngộ là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho biết, do quy mô doanh nghiệp trong ngành đa số là vừa và nhỏ với vốn hạn hẹp, chỉ tạm ứng được 10 – 15% giá trị hợp đồng, nên khi triển khai thực hiện vẫn phải sử dụng vốn tín dụng ngân hàng.
"Thực chất công trường xây dựng cũng phải lo sản xuất, lo đời sống, công ăn việc làm cho người lao động không khác gì một nhà máy nhưng tín dụng cho các doanh nghiệp xây dựng lại hoàn toàn chưa được ưu tiên như cho sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều ngân hàng bị siết 'room' tín dụng nên tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng cũng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất còn cao", ông Hiệp cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cũng gặp tình trạng phát triển chậm lại, giảm thanh khoản và khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu.
Riêng quý 1/2022 và tháng 7/2022, doanh nghiệp BĐS không phát hành được trái phiếu nào. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng giảm 8,9% cùng kỳ năm trước.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), ông Lê Hoàng Châu đã đề nghị NHNN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng vẫn đảm bảo tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, giúp doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng thuận lợi hơn.
|
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP) |
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, việc NHNN điều hành các chính sách tiền tệ chính là để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối. Chính vì vậy, việc xác định tăng trưởng tín dụng như thế nào cũng phải hướng đến mục tiêu trên.
Bà Hồng cho biết thời gian tới sẽ rà soát và điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của chỉ tiêu 14% còn lại, đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, rào cản pháp lý tồn tại từ lâu; đồng thời tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.
Về dài hạn, đơn vị này sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số và nghiên cứu thực hiện các cơ chế ưu đãi về thuế, phí cho nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ./.