‘Nếu nới room tín dụng thì nguy cơ cuộc đua lãi suất sẽ quay trở lại’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã nêu quan điểm như vậy tại buổi thảo luận về kinh tế vĩ mô của Chính phủ chiều 30/7.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế vĩ mô của Chính phủ hôm 30/7 (Ảnh: VGP)
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế vĩ mô của Chính phủ hôm 30/7 (Ảnh: VGP)

Thống đốc NHNN cho biết đã nhận được nhiều ý kiến về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15 hoặc 16%.

Song, trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn thì việc điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không thể chủ quan. “Trước mắt, NHNN vẫn điều hành theo chỉ tiêu 14%”, bà Hồng nhấn mạnh.

Cũng theo Thống đốc NHNN, việc cơ quan này đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% hồi đầu năm 2022 (cao hơn 13,6% của năm 2021 và 12,17% của năm 2020) là để tạo dư địa để thúc đẩy, phục hồi kinh tế.

“Đến nay, diễn biến rất khác, nền kinh tế của chúng ta đã phục hồi khá mạnh mẽ, riêng tăng trưởng quý 2 tăng 7,72%, tính chung 6 tháng tăng là 6,42%”, bà Hồng nói.

Mặt khác, bên cạnh dòng vốn tín dụng, từ nay đến cuối năm 2022, việc Chính phủ đẩy mạnh các gói phục hồi, đầu tư công, cũng sẽ tạo ra dòng tiền để hỗ trợ kinh tế.

Trích dẫn số liệu của World Bank, lãnh đạo NHNN cho hay, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, 124% (theo GDP mới), tỉ lệ tín dụng trên huy động vốn đã là 99%, nghĩa là huy động 100 đồng đã cho vay 99 đồng.

“Do đó, nếu nới room tín dụng thì có thể nguy cơ cuộc đua lãi suất sẽ quay trở lại”, bà Hồng nêu quan điểm.

Thống đốc NHNN cũng thừa nhận thị trường bất động sản đang gặp phải vấn đề ách tắc dòng tiền.

Tuy nhiên, theo quan điểm của lãnh đạo NHNN, tín dụng chỉ là một kênh huy động vốn cho thị trường này, bên cạnh đó còn có rất nhiều kênh khác nhau, từ nguồn FDI, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đối với đề xuất giải quyết ách tắc dòng tiền của bất động sản bằng việc nới ‘room’ tín dụng, bà Hồng cho rằng giải pháp này chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, về dài hạn là rủi ro cho ngân hàng./.