|
Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đặt chi nhánh tại đây, và được dùng biển hiệu cũ có từ trước đó. |
Đại diện truyền thông Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), có chi nhánh đặt tại phố Lê Trọng Tấn cho biết, trong quá trình triển khai, SHB đã nhận được văn bản của UBND thành phố Hà Nội về việc quy định đối với biển hiệu trên tuyến phố này.
Cụ thể, văn bản này chỉ quy định bắt buộc về kích thước đối với các biển hiệu dọc tuyến phố. Đối với những doanh nghiệp hay ngân hàng có nhận diện thương hiệu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, sẽ không phải thay đổi bất kỳ chi tiết nào ngoài việc áp dụng kích thước chung.
“Do văn bản đã ghi rõ như vậy, nên chúng tôi không phải thay đổi biển hiệu. Việc quy định về màu sắc của biển hiệu với 2 màu cơ bản là màu xanh và màu đỏ chỉ áp dụng đối với những cơ sở kinh doanh không hoặc chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chẳng hạn như một cửa hàng bán phở,” đại diện truyền thông của SHB nói.
Ông Trần Ngọc Giang, Trưởng Bộ phận Truyền thông và Thương hiệu của VIB cho biết, có thể đơn vị thi công chỉ gửi văn bản đến chi nhánh của VIB nên ông không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc phải thay đổi màu sắc.
Tuy nhiên, có vẻ các ngân hàng may mắn hơn. Khảo sát của phóng viên, trên dọc tuyến phố mới Lê Trọng Tấn, một số biển quảng cáo của các doanh nghiệp như: Việt Nam Airline, Kangaroo, Everon hay May Nhà Bè... logo đều bị biến màu, không đúng với nhận diện quen thuộc của các doanh nghiệp này
Với Kangaroo, tấm biển hiệu được thiết kế chỉ duy nhất chữ màu trắng trên nền màu xanh dương, trong khi đó, logo chuẩn của doanh nghiệp này phải là chữ màu đỏ phối với xanh lá cây.
|
Logo thương hiệu Kangaroo chuẩn (bên trái) và logo sai chuẩn (bên phải) đang được lắp đặt treo tại phố Lê Trọng Tấn. Ảnh: Zing.vn |
Tương tự, logo thương hiệu Mattana của Tổng Công ty CP may Nhà Bè cũng được... đồng bộ sang xanh dương cho dù nhận diện thương hiệu này dựa trên 2 màu chủ đạo là đỏ và đen.
|
Logo chuẩn thương hiệu thời trang Mattana của Công ty CP May Nhà Bè (trái) và logo sai chuẩn (phải) Ảnh: Internet/Zing |
Trao đổi với PV Infonet, một số doanh nghiệp có logo thương hiệu in sai chuẩn đang được lắp đặt trên phố Lê Trọng Tấn tỏ ra không đồng tình, số khác cho là vấn đề tế nhị không muốn lên tiếng.
Đại diện một doanh nghiệp bị đồng bộ... biến màu không muốn nêu tên nói "Việc thay đổi logo thương hiệu của doanh nghiệp là việc rất phức tạp. Trong khi doanh nghiệp phải mất thời gian dài để xây dựng và quảng bá thương hiệu, nay vì một lý do nào đó mà doanh nghiệp phải thay đổi logo thì chẳng khác nào phải khơi dựng lại từ đầu".
Đại diện thương hiệu Kangaroo và Tổng Công ty CP May Nhà Bè, chi nhánh phía Bắc đều khéo léo từ chối không muốn ý kiến vì... không rõ lắm hoặc... sự cũng đã rồi.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, TS. Martin Roll, Chuyên gia hàng đầu về chiến lược thương hiệu, cố vấn cho tạp chí Fortune 500 và là tác giả của cuốn sách bán chạy trên toàn cầu "Chiến lược thương hiệu châu Á", cho rằng, xây dựng và duy trì một thương hiệu mạnh đòi hỏi một đề xuất giá trị, nhất quán, lâu dài, độc đáo và nỗ lực thiết lập một vị trí cho thương hiệu.
Trên thực tế nhiều thành phố lớn trên thế giới đã và đang tìm cách tạo ra một vị trí duy nhất cho mình để nổi bật so với các thành phố khác. TS. Martin Roll cho rằng, nếu làm tốt, phố Lê Trọng Tấn sẽ có cơ hội có được thương hiệu tốt.
“Với thiết kế, quy hoạch tuyệt vời kết hợp với kiến trúc xung quanh, bộ mặt của toàn bộ tuyến phố là quan trọng, nhưng cũng rất quan trọng khi đảm bảo rằng các cửa hàng, chi nhánh ngân hàng, nhà hàng… không bị thay đổi nhận dạng thương hiệu. Đó mới chính là lý do khiến mọi người ghé thăm đường phố,” TS. Martin Roll nói.
Vì vậy, chính quyền thành phố cần phải tìm một sự cân bằng giữa cách tiếp cận chuẩn mực so với một cách tiếp cận phân mảnh. Không chỉ mang mục đích chỉnh trang bộ mặt đô thị, một sự thay đổi mạnh mẽ, mang tính biểu tượng thương hiệu mạnh cho phố Lê Trọng Tấn cũng là một mục tiêu lớn nên hướng đến.
Theo Infonet