“Nếu đảng Dân chủ thành công trong việc phế truất Tổng thống Mỹ (điều mà họ sẽ không bao giờ làm được), nó sẽ gây ra một vết rạn nứt giống như kiểu Nội chiến ở đất nước này, trong đó đất nước của chúng ta sẽ không thể hàn gắn được” – ông Trump viết trên Twitter.
Đoạn tweet trên được ông Trump dẫn từ ông Robert Jeffress, một mục sư từng đưa ra luận điểm trên trong một buổi phỏng vấn trên kênh Fox & Friends Weekend. Ông Trump còn thêm một vài từ vào trong câu nói của ông Jeffress để ám chỉ việc Quốc hội sẽ không bao giờ thành công trong nỗ lực luận tội ông.
Đoạn tweet của Tổng thống Mỹ vừa xuất hiện đã lập tức vấp phải phản ứng gay gắt, và theo như ông John Coates – Giáo sư ngành Luật của ĐH Harvard – thì chỉ riêng đoạn tweet nọ đã là một “cơ sở độc lập” để các nhà lập pháp loại ông khỏi Nhà Trắng.
“Bản thân đoạn tweet này đã là một cơ sở độc lập để luận tội: Một vị Tổng thống đương nhiệm đe dọa tiến hành nội chiến nếu như Quốc hội thực thi quyền lực được cho phép theo đúng quy định của Hiến pháp” – ông Coates bình luận trên Twitter.
Tuần trước, Hạ viện Mỹ chính thức khởi động tiến trình điều tra luận tội nhằm vào ông Trump trong lúc có nhiều báo cáo cho rằng ông lợi dụng quyền lực để gây sức ép với lãnh đạo Ukraine mở cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai là Hunter Biden.
Đoạn hội thoại giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên được công bố trong đơn tố giác mà một nhân viên tình báo giấu mặt gửi tới trưởng thanh tra của cơ quan tình báo. Trong đơn tố giác, “người thổi còi” này nêu quan ngại rằng ông Trump “sử dụng quyền lực của Tổng thống để yêu cầu một nước khác can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020”.
“Người thổi còi” cũng nhắc tới sự dính líu của hai nhân vật khác là luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani và Tổng chưởng lý William Barr trong vụ bê bối. Ông Giuliani được mô tả là “nhân vật trung tâm” trong vụ việc này.
Kể từ sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội ông Trump, nhiều hãng truyền thông Mỹ đưa tin có ít nhất 218 nhà lập pháp tại Hạ viện (con số cần thiết để bỏ phiếu luận tội ông Trump tại cơ quan này) ủng hộ việc tiến hành điều tra luận tội. Cụ thể, có ít nhất 217 đảng viên Dân chủ cùng nghị sỹ độc lập Justin Amash ủng hộ nỗ lực luận tội.
Phe Dân chủ nói rằng họ có dự định đẩy nhanh tiến trình luận tội, nhưng đến nay mới chỉ mở cuộc điều tra để thúc đẩy tiến trình này. Hạ viện Mỹ đang cân nhắc xem liệu sau khi quá trình điều tra kết thúc, có khả năng nào để luận tội ông Trump được không. Nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua luận tội, Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát sẽ là nơi quyết định về việc phế truất hay tha bổng ông Trump.
Sử học gia Kevin Kruse đã lên tiếng chỉ trích ông Trump vì đoạn tweet “Nội chiến”. Ông Kruse – Giáo sư tại ĐH Princeton – nhấn mạnh rằng, để phế truất một vị Tổng thống đương nhiệm thì đảng Dân chủ cần phải có sự ủng hộ của cả phía đảng Cộng hòa trong nỗ lực điều tra luận tội.
“Ông Trump chỉ có thể bị phế truất thông qua quá trình luận tội nếu như có đủ 2/3 tổng số phiếu thuận ủng hộ việc phế trất ông. Để làm được điều đó, cần có ít nhất 20 đảng viên Cộng hòa gia nhập với 45 đảng viên Dân chủ và 2 nghị sĩ độc lập tại Thượng viện” – ông Kruse nói – “Việc phế truất cần phải có sự đồng thuận lưỡng đảng. Coi việc luận tội như một dạng nội chiến không chỉ là điều nguy hiểm, mà còn ngốc nghếch”.
Theo Newsweek