Áp lực tăng giá điện kéo dài
Khởi xướng cho việc phân bổ lỗ tỷ giá vào giá điện vừa qua không phải từ đại điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà lại là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Tại cuộc họp giao ban tháng 8 của Bộ Công Thương, ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc TKV, đã khẳng định, cú tăng 3% tỷ giá vừa qua đã khiến hoạt động sản xuất điện của TKV đội chi phí lên 1.200 tỷ đồng nên cần phân bổ khoản lỗ này vào giá điện.
Cùng đó, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám EVN, không đưa ngay ra con số lỗ tỷ giá nhưng cũng nhấn mạnh, nếu tính thiệt hại từ tỷ giá ở cả TKV và PVN trong lĩnh vức sản xuất điện thì mức lỗ tỷ giá có thể gấp 10 lần con số TKV đưa ra.
Nhìn nhận điều này, GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, chia sẻ: tăng tỷ giá đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện. Bởi thiết bị của ngành điện phần lớn đều phải nhập khẩu bằng ngoại tệ. Ngoài ra, đầu vào của ngành điện như than, dầu tới đây cũng phần lớn là nhập.
Tổn thất điện năng lớn khiến giá thành điện Việt Nam cao |
"Hiện nay, tuỳ loại công nghệ mà suất đầu tư các nhà máy nhiệt điện dao động từ 900-1.000 USD/kWh, nghĩa là phải tốn khoảng 1 triệu USD cho 1 MW. Như vậy, chỉ một tổ hợp nhiệt điện công suất khoảng 1.200 MW thì suất đầu tư đã vào khoảng 1,2 tỷ USD. Tăng tỷ giá thì chắc chắn, chi phí đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện (theo VND) chắc chắn sẽ tăng mạnh", ông Long phân tích.
Ông khẳng định: "Việc tăng tỷ giá sẽ tạo thêm áp lực tăng giá bán lẻ điện và ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng".
Theo báo cáo của EVN, năm 2014, tập đoàn này đã vay 3,1 tỷ USD từ các nguồn Ngân hàng Thế giới, JICA, NEXI, ADB, AIF, KFW, IBIC,... cho 9 dự án công trình nguồn và lưới điện. Tỷ giá tại các hợp đồng vay vốn này mới chỉ ở mức 19.500 đồng/USD.
Đồng thời, EVN cũng đã nhận được cam kết vay vốn nước ngoài là 1,626 tỷ USD cho 6 dự án nguồn và lưới điện, với mức tỷ giá là 19.666 đồng/USD. Cùng đó, EVN cũng đang có 10 dự án với khoản vốn vay đang đề xuất lên tới 6,486 tỷ USD.
Rõ ràng, với tỷ giá vừa lên mức 22.500 đồng/USD, tăng tới 3.000 đồng mỗi USD so với mức tỷ giá ban đầu thì lỗ chênh lệch tỷ giá của Tập đoàn này sẽ là con số khổng lồ. Trong đó, khoản vốn đã thu xếp trong năm 2014 đã đội thêm ít nhất là 9.300 tỷ đồng, khoản vốn đã cam kết vay cũng bị đội chi phí lên hơn 4,616 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại thời điểm tăng giá điện tháng 3, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, thông báo rằng tập đoàn này vẫn còn treo khoản lỗ 7.800 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ hết. Đây chính là khoản cuối cùng tồn dư lại từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới gần 26.670 tỷ đồng mà EVN phải gánh sau cú tăng tỷ giá 9,3% năm 2011.
Trong 4 năm qua, khoản lỗ tỷ giá trên vẫn còn chưa phân bổ xong thì với việc phát sinh lỗ giả thiết tới 12.000-14.000 tỷ đồng như trên thì chắc chắn, giá điện bán lẻ tới đây sẽ chịu áp lực tăng giá dài dài.
Giá điện tăng quá 2% là không hợp lý
Năm nay, giá điện Việt Nam đã tăng thêm 7,5% kể từ 16/3 vừa qua, đưa mức giá bán lẻ bình quân lên mức 1.622,05 đồng/kWh.
Đây là lần thứ 10 Việt Nam tăng giá điện trong 8 năm qua, kể từ năm 2007. Trong đó, tăng 7,5% lần này là mức cao so với 4 lần liên tục vừa qua chỉ 5%/đợt tăng. Đợt tăng giá điện này sẽ mang đến doanh thu tăng thêm cho EVN là 13.000 tỷ đồng.
Giá điện tăng làm đời sống sinh hoạt thêm khó khăn |
Song, với việc lỗ tỷ giá cũ mới còn chồng chất, người tiêu dùng không khỏi lo ngại về một viễn cảnh sẽ có thêm một đợt tăng giá điện nữa trong thời gian tới.
Đáng lưu ý, theo nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện được Thủ tướng phê duyệt, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng. Trường hợp các thông số đầu vào thay đổi thì EVN sẽ được phép tăng tới 7% mà không cần xin phép Bộ Công Thương hay Thủ tướng. Trong đó, tỷ giá là một trong những yếu tố đầu vào để EVN có đủ lý do chính đáng tiếp tục tăng giá điện.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế Hà Nội, nói: "Theo ước tính sơ bộ của tôi, nếu tỷ giá tăng 3% thì giá điện điều chỉnh khoảng 1% là vừa".
TS Thành phân tích: "Ước tính trên là dựa theo giả định cơ cấu giá thành điện có 30% chi phí từ nguyên liệu, máy móc nhập khẩu. Trường hợp này, nếu nhà đèn đòi tăng trên 2 hoặc 3% thì không có lý".
“Các Bộ ngành, EVN cần phải tính toán thật kỹ tác động này. Nếu phân bổ lỗ tỷ giá vào giá điện thì các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc thật kỹ", GS Long đề nghị.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thoả, bình luận: "Về nguyên tắc thì giá điện theo thị trường sẽ phải tính đúng, tính đủ vào yếu tố đầu vào như tăng tỷ giá. Nhưng vì đây là ngành nhạy cảm, là đầu vào của nền kinh tế thì cần phải nghiên cứu xem phân bổ liều lượng lỗ tỷ giá vào bao nhiêu cho hợp lý. Không phải phá giá 3% thì cho hết 3% này vào giá điện".
Theo ông Thoả, cách hợp lý nhất là phân bổ chênh lệch tỷ giá dần dần để không gây ra những biến động lớn vào thời điểm cuối năm, tranh đột biến lạm phát vì đây là thời điểm cung tiền ra nhiều.
"Dù vậy, mỗi lần tăng giá điện, EVN cần phải thông tin công khai, minh bạch trong giải trình một cách cụ thể các lý do tăng giá thì mới đạt được sự đồng thuận trong nhân dân", ông Thoả nói.
Cho tới thời điểm này, Cục Điều tiết điện lực Việt Nam vẫn khẳng định chưa có đề xuất tăng giá điện. EVN đang được giao nhiệm vụ tính toán giảm bậc thang giá điện sinh hoạt và phải lấy ý kiến người dân vào tháng 9 này.
Theo VNN