|
Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Đào Tấn Cường về hành vi đe dọa ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. |
Luật sư Phạm Công Hùng, người bào chữa cho bị cáo Cường cho biết, bản thân bị cáo khẳng định là không thực hiện đe dọa giết người mà chỉ vì bức xúc cá nhân nên đã cư xử không phải. Hành vi của bị cáo Cường là sai trái nhưng mục đích không phải là đe dọa giết người.
Tại tòa, luật sư Chu Văn Hưng cũng cho rằng, không ghi nhận được sự việc gì xảy ra đối với ông Thơ và ông Sơn sau khi có tin nhắn của bị cáo Cường. Tin nhắn của bị cáo Cường chỉ vi phạm hành chính mà thôi.
“Hành vi nhắn tin của bị cáo Cường chỉ dừng ở mức xúc phạm danh dự chứ chưa cấu thành tội đe dọa giết người", luật sư Hùng cho biết.
Theo các luật sư, sau khi TAND TP. Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Cường 18 tháng tù giam, nhiều ý kiến cho rằng điều này không cần thiết. Mặt khác các chứng cứ buộc tội không thể hiện rõ nội dung và động cơ của tội danh “Đe dọa giết người” quy kết cho bị cáo Cường.
Luật sư Phạm Công Hùng cho biết, những tài liệu được đưa ra thẩm tra công khai tại phiên tòa và các tài liệu liên quan mà các luật sư thu thập được đều cho thấy, khi chưa xảy ra sự việc trên, bị cáo Cường và gia đình ông Huỳnh Đức Thơ có mối quan hệ mật thiết. Ông Thơ và ông Cường đã từng là hai người bạn thân thiết.
Với tình thân có sẵn, trong lúc cáu giận, ông Cường đã nhắn tin cho ông Thơ với nội dung được dịch là: "Rồi mày cũng phải trả giá thôi, mày lừa thầy phản bạn, mày sẽ phải hứng lấy quả báo rồi mày cũng chết bờ chết bụi thôi. Mày còn vợ con nữa đó". Một tin khác được dịch là: "Đồ mất dạy, nợ máu phải trả bằng máu".
Luật sư Hùng nhận định: Điều 103 BLHS quy định về tội đe dọa giết người như sau: "người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện..." thì phạm tội đe dọa giết người.
Nghị quyết 04 ngày 29-11-2016 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định: "Tội đe dọa giết người phải có hai dấu hiệu bắt buộc có hành vi giết người; có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Phải xác định hành vi đe dọa giết người là có thật như: nói trực tiếp công khai là sẽ giết, giơ phương tiện như súng, dao... đe dọa..."
Luật sư Hùng phân tích tiếp: với các quy định của pháp luật nêu trên, việc ông Cường nhắn tin cho ông Thơ là sai trái, sau đó ông Cường cũng đã xin lỗi ông Thơ. Tuy nhiên, nội dung các tin nhắn trên không phải là hành vi ở mặt khách quan của tội đe dọa giết người và trong tình trạng ông Thơ được bảo vệ nghiêm ngặt như vậy, thì sự lo sợ của ông Thơ cho rằng việc nhắn tin của ông Cường là hành vi đe dọa giết người sẽ được thực hiện đối với ông Thơ là không có căn cứ.
Bằng chứng là, sau khi bị ông Cường đe dọa, ông Thơ đã đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng chỉ đạo bộ phận Quân báo - Trinh sát tăng cường lực lượng bí mật bảo vệ ông Thơ và người thân trong gia đình.
Nếu soi rọi vụ việc này với một số sự việc khác đã xảy ra, có thể thấy cùng một hành vi nhưng có ít là hai cách xử lý khác nhau. Đặc biệt là sự việc liên quan đến ông Đoàn Ngọc Hải, người gắn bó với chiến dịch “giành lại vỉa hè” ở TP.HCM.
Khi đó, ông Đoàn Ngọc Hải cũng bị một đối tượng nhắn tin đe dọa. Tuy nhiên, sau khi đối tượng này nhắn tin xin lỗi ông Hải đã đề nghị các cơ quan pháp luật không xử lý vì nhận thấy sự an toàn của mình chưa bị đe dọa, phản ứng của người dân chỉ là nhất thời do bức xúc.
“Cùng là một sự việc nhưng Tôi tâm đắc cách giải quyết xung đột trong cộng đồng xã hội của anh Hải hơn. Sự độ lượng của anh Hải đã thu phục được nhân tâm của người mắc sai phạm, họ tâm phục khẩu phục, và tự sửa chữa sai lầm của mình một cách triệt để”, LS Hùng nhận định.