Trước hết, xin ông giới thiệu đôi nét về hoạt động chiếu sáng, trong đó có chiếu sáng thông minh.
Có thể nói, chiếu sáng là hoạt động rất quan trọng vì phân nửa thời gian chúng ta đang sống là không có ánh sáng mặt trời. Vì thế, loài người rất cần có các nguồn sáng nhân tạo để tạo lập ra môi trường ánh sáng để kéo dài thời gian hoạt động của mình và kể từ khi phát minh ra điện thì hoạt động chiếu sáng đã khác hẳn so với các thời đại trước. Từ đó đến nay, công nghiệp chiếu sáng đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ sử dụng nguồn sáng đèn hồ quang, đèn sợi đốt, các đèn phóng điện (đèn huỳnh quang, đèn compact, HID ) và ngày nay là đèn sử dụng nguồn sáng LED với những ưu điểm vượt trội.
Đương nhiên, với mỗi nhu cầu chiếu sáng khác nhau thì các giải pháp thiết kế chiếu sáng cũng phải khác nhau. Không chỉ có nhu cầu chiếu sáng công cộng, chiếu sáng công nghiệp, chiếu sáng y tế, chiếu sáng dân dụng… mà ngày nay còn có cả nhu cầu chiếu sáng trong nông nghiệp để trồng các loại cây cần ra quả, ra hoa trái vụ… Không chỉ có vậy, nguồn sáng trong nông nghiệp còn phải có tác dụng tiêu diệt, xua đuổi côn trùng…
Nói về chiếu sáng thông minh, đó là hoạt động chiếu sáng đảm bảo đầy đủ các yêu cầu định lượng, chất lượng chiếu sáng và có thể điều khiển được theo nhu cầu mà nó còn được kết nối với các hệ thống thông minh khác nhằm đảm bảo một số yêu cầu đặt ra của không gian được chiếu sáng, đảm bảo cho đô thị sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển bền vững.
Chiếu sáng trong giao thông đô thị ngày nay đã và đang là những hệ thống như vậy. Còn với chiếu sáng công nghiệp thì cũng phải có những yêu cầu đặc thù cho riêng các ngành công nghiệp khác nhau như: dệt, may mặc, dược phẩm, điện tử, cơ khí… Đương nhiên, chiếu sáng cho bệnh viện, trường học, thư viện… cũng có những đặc thù riêng.
Cũng cần nói thêm, hoạt động chiếu sáng liên quan trực tiếp tới chính đối tượng con người. Và nhịp sinh học của con người cần có được giải pháp chiếu sáng phù hợp và thỏa mãn. Và đó chính là thực tế phải đặt ra cho các hệ thống chiếu sáng cho phù hợp và sẽ là lý tưởng nếu các hệ thống chiếu sáng được điều khiển một cách tự động.
Có thể nói, đô thị thông minh không thể thiếu chiếu sáng thông minh. Chính vì thực tế đó, mới đây Hội Chiếu sáng Việt Nam đã tổ chức một hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề: “Chiếu sáng thông minh cho đô thị thông minh” và hội thảo này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Trong một chừng mực nào đó, chiếu sáng cũng là một hoạt động mang tính nghệ thuật. Xin ông cho biết, để giải quyết được yếu tố nghệ thuật cho hoạt động chiếu sáng thì chúng ta phải làm gì?
Với những công trình có nhu cầu chiếu sáng đặc thù, phải khẳng định rằng đó chính là các công trình đòi hỏi tính mỹ thuật, nghệ thuật cao. Và để thiết kế được những công trình đó, người kỹ sư thiết kế chiếu sáng cũng phải có tư duy về mỹ thuật, kiến trúc, tâm - sinh lý học… bên cạnh những kiến thức chuyên môn.
Rất nhiều công trình chiếu sáng như : Lăng Bác, Nhà hát lớn Hà Nội, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc… thì yếu tố chiếu sáng về đêm mang ý nhĩa hết sức quan trọng. Đương nhiên, cũng phải kể đến những công trình lớn như Chùa Bái Đính cũng được đầu tư rất lớn về chiếu sáng. Ban ngày, các công trình này đã rất đẹp rồi thì ban đêm càng trở nên lung linh, đẹp, huyền ảo hơn. Thậm chí, sự chiếu sáng của những công trình như Chùa Bái Đính còn phải mang màu sắc tâm linh.
Và đương nhiên, cũng phải kể đến không ít tòa nhà tọa lạc ở các vị trí đắc địa cũng được đầu tư rất đáng kể về chiếu sáng theo lập trình. Để làm được việc đó, hệ thống chiếu sáng của họ phải được thiết kế điều khiển thông qua các công cụ tin học. Có thể nói, với công nghệ chiếu sáng bằng nguồn sáng LED ngày nay, hoạt động chiếu sáng nghệ thuật là dễ thực hiện hơn và cũng đẹp, tiết kiệm điện hơn so với các công nghệ cũ.
Có thể nói, nếu các đô thị được chiếu sáng đẹp thì cuộc sống về đêm của dân cư tại đô thị đó sẽ kéo dài và sinh động hơn hơn. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như mật độ dân cư, nhịp sống công nghiệp của đô thị …
Chúng ta hy vọng, một ngày không xa các đô thị của Việt Nam về đêm sẽ bừng sáng đẹp lung linh như kinh đô ánh sáng của thế giới Paris, New York, Thượng Hải…
Cuối cùng, xin đề cập đến một thực tế là về cơ bản thì chúng ta mới chỉ đào tạo kỹ sư điện nhưng nhu cầu thị trường lại cần kỹ sư chiếu sáng. Xin ông cho biết một vài ý kiến về thực tế này.
Đúng là trong nhiều năm qua ở nước ta, chúng ta mới chỉ đào tạo được kỹ sư điện mà chưa chú trọng đào tạo các kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật chiếu sáng, song nhu cầu thực tế quản lý vận hành các hệ thống chiếu sáng hiện nay lại cần một lượng lớn các kỹ sư chiếu sáng chuyên ngành . Đây là thực tế mà Việt Nam phải học hỏi nhiều với các nước phát triển vì các đại học của họ đã đào tạo chuyên ngành này từ rất nhiều năm trước.
Như tôi đã đề cập, kỹ sư chiếu sáng ngoài kiến thức chuyên môn còn phải am hiểu về Xây dựng, kiến trúc, tâm lý, sinh học… Để trở thành kỹ sư chiếu sáng thì phải được học tập bài bản các kiến thức đó và đáng mừng là tại Viện Vật lý Kỹ thuật Đại học Bách khoa Hà Nội đã chính thức đào tạo kỹ sư chiếu sáng hơn 10 năm nay. Song với một số trường khác như Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc… thì chiếu sáng cũng chỉ là một môn học trong bộ môn Vật lý xây dựng . Nói như vậy, nguồn nhân lực cho hoạt động chiếu sáng ở Việt Nam vẫn còn là một thực tế tồn tại.
Nhân đây, tôi cũng xin đề cập về vấn đề chính sách của Nhà nước. Trước hết, chúng ta phải có một nền công nghiệp chiếu sáng đủ mạnh để sản xuất được các thiết bị chiếu sáng tiên tiến. Hiện tại, các doanh nghiệp như Rạng Đông, Điện Quang… đã nghiên cứu, chế tạo, sản xuất được các đèn chiếu sáng, thiết bị chiếu sáng sử dụng nguồn sáng LED song hiện thuế nhập khẩu các linh kiện để sản xuất đèn LED vẫn còn cao nên chưa thực sự khuyến khích sản xuất và tiêu thụ công nghệ chiếu sáng bằng đèn LED tại Việt Nam vì giá thành vẫn còn đắt so với các sản phẩm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch hoặc nhập lậu tạo lên thị trường không minh bạch cộng với công tác quản lý thị trường yếu kém làm ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng
Tiếp đến, là những tiêu chuẩn kỹ thuật cho nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng sử dụng nguồn sáng LED cũng như các tiêu chuẩn chiếu sáng đối với các lĩnh vực khác nhau của ta hiện nay chưa đủ và chưa chưa đồng bộ, đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng nguồn sáng LED vào thực tế hoạt động chiếu sáng tại nước ta còn chậm và chưa phát huy hiệu quả.
Cuối cùng, vẫn phải nhắc lại yếu tố nguồn nhân lực cho lĩnh vực chiếu sáng. Kỹ sư chiếu sáng được đào tạo bài bản hiện quá thiếu và việc cần làm sớm là cập nhật kiến thức về chiếu sáng cho các kỹ sư điện, kỹ sư xây dựng, các kiến trúc sư…
Xin cám ơn ông!