Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) nói trong cuộc họp báo, Trung Quốc sẽ gửi tàu khu trục tên lửa dẫn đường Tây Ninh (Xining) tới tham gia cuộc tập trận và “mục đích của cuộc tập trận là tăng cường hợp tác giữa hải quân ba nước”.
Vùng biển Oman đặc biệt nhạy cảm. Một phần năm vận chuyển dầu của thế giới đi qua eo biển Hormuz được kết nối với nó. Đây sẽ là lần đầu tiên Iran, Nga và Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận quân sự trên biển ở ba nước. Năm 2017, Iran và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở eo biển Hormuz có vị trí chiến lược ở Vịnh Ba Tư.
Cuộc tập trận này diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ - Iran rất căng thẳng. Kể từ năm ngoái, Tổng thống Mỹ Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được vào năm 2015 rồi một lần nữa áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, khiến kinh tế của Iran tê liệt.
Tàu khu trục tên lửa Tây Ninh của Trung Quốc tham gia diễn tập
|
Đây có phải là một cuộc diễn tập chung bất thường trên biển?
Nhìn vào đội hình của cuộc diễn tập được thông báo thì không có nhiều tàu tham gia. Hơn nữa, tính chất của cuộc tập trận là bảo vệ các tuyến giao thông và chống khủng bố trên biển. Không có tàu sân bay tham gia và cũng không có tình huống tác chiến đối kháng cụ thể.
Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến việc truyền thông phương Tây mượn đề tài làm to chuyện. Trước hết vì ba quốc gia tham gia cuộc tập trận là Iran, Nga và Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên ba nước tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung ở phía bắc Ấn Độ Dương.
Thông tin về cuộc tập trận này đầu tiên được Iran đưa ra và dường như chỉ có phía Iran liên tục cập nhật thông tin chính về cuộc diễn tập chung này.
Ông Abolfazl Shekarchi, người phát ngôn quân đội Iran, nói cuộc tập trận sẽ bắt đầu vào ngày 28 tháng này trong thời gian 4 ngày. Đây là cuộc tập trận quân sự ba bên đầu tiên của Iran với Trung Quốc và Nga. Cuộc tập trận này sẽ được mở rộng ra biển Oman nhằm mục đích thúc đẩy an ninh khu vực.
Chiến hạm của Hải quân Iran
|
Iran còn nói rằng cuộc tập trận quân sự được coi là một phản ứng đáp lại cuộc tập trận mới đây giữa Hoa Kỳ và đồng minh Arab Saudi. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tham gia tập trận đó.
Cuộc diễn tập này được đặt tên là “Maritime Safety Belt” (Vành đai an toàn hàng hải). Theo hãng tin Fars bán chính thức của Iran, Nga sẽ cử ba tàu chiến tham gia triển lãm.
Cuộc tập trận quân sự này cũng là cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên giữa Iran với Trung Quốc và Nga trong 40 năm kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Nói về tầm quan trọng của cuộc tập trận này, phía Iran cho rằng Ấn Độ Dương và biển Oman là khu vực trọng yếu của thương mại thế giới, tàu thuyền của nhiều quốc gia đang đi qua khu vực này, vì vậy việc đảm bảo an ninh là rất quan trọng. Cuộc tập trận này cũng sẽ tăng cường kinh nghiệm đảm bảo an ninh thương mại quốc tế trong khu vực.
Ngoài ra, các mục tiêu khác của cuộc tập trận bao gồm: trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực an ninh, hoạt động cứu hộ hàng hải, chống khủng bố và chống cướp biển giữa Tehran, Moscow và Bắc Kinh.
Quan hệ giữa Nga và Iran ngày càng gắn bó
|
Một số cơ quan truyền thông ở Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác rõ ràng là “quá nhạy cảm” với cuộc tập trận, cho rằng Iran đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc và Nga vào thời điểm Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với họ. Các phương tiện truyền thông này nói, hải quân Nga và Trung Quốc cũng đã tăng cường các chuyến thăm của họ đến Iran trong những năm gần đây.
Tại sao một cuộc tập trận hàng hải chung thông thường thu hút sự chú ý của truyền thông Mỹ và phương Tây?
Điều này phải được gắn với tình hình quốc tế căng thẳng gần đây ở khu vực Vịnh Ba Tư. Trước đó, đã xảy ra nhiều vụ tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư; tàu chở dầu của Iran bị bắt giữ và các mỏ dầu của Ả rập Saudi đã bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái. Sau đó, Hoa Kỳ đã thừa cơ đưa một số lính Mỹ đến khu vực này và bổ sung các hệ thống phòng thủ tên lửa cho Ả rập Saudi.
Washington coi Iran là kẻ chủ đạo đằng sau các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi hồi tháng 9. Cuộc tấn công đã dẫn đến sự gia tăng lớn nhất của giá dầu kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, công ty dầu mỏ Arab Saudi bị tấn công cũng là công ty chế biến dầu lớn nhất thế giới.
Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn ở Ả rập Saudi sau khi các mỏ dầu của nước này bị tấn công.
|
Iran đã bác bỏ điều này và cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào chống lại họ sẽ dẫn đến “một cuộc chiến tranh toàn diện”. Đồng thời, Tehran đã bắt đầu làm giàu uranium vượt ra ngoài các thỏa thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc thế giới vào năm 2015.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã ca ngợi mối quan hệ hữu nghị giữa Iran, Nga và Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn IRNA ngày 25/12. Ông nói, trong “Thỏa thuận hạt nhân Iran”, Iran sẽ đối xử với Nga và Trung Quốc khác với các quốc gia khác và Iran sẽ không bao giờ quên những người bạn đã giữ vững công lý và giữ vững các nguyên tắc quốc tế trong lúc Iran gặp khó khăn.
Tờ Daily Mail của Anh dẫn lời Tư lệnh hải quân Iran Hossein Khanzadi nói rằng hải quân ba nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong “tương lai gần”, nhằm “gửi một thông điệp tới thế giới” mối quan hệ giữa ba nước đã đạt tới tầm chiến lược.
Một chuyên gia Nga cho rằng rất dễ hiểu khi tin tức về cuộc tập trận hải quân ba bên Nga – Trung - Iran được phía Iran công bố. Bởi vì Iran có ý định cho cả thế giới thấy, họ có hai đối tác đáng tin cậy. Tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung với Iran, mà lại diễn ra gần một điểm nóng khu vực trong thời kỳ căng thẳng chưa từng thấy trong quan hệ Mỹ - Iran, là một sự kiện bất thường trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia về các vấn đề Trung Đông của Trung Quốc cho rằng tầm quan trọng và vai trò của cuộc tập trận không chỉ được truyền thông Mỹ và phương Tây thổi phồng mà còn được Iran thực hiện để đáp ứng nhu cầu của họ.
Quan hệ Mỹ và Iran hiện ở vào tình trạng rất xấu kể từ nhiều năm qua.
|
Một chuyên gia nói ngay từ đầu, thái độ của Trung Quốc đối với cuộc tập trận này là rất thận trọng. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đều không nói gì. Ngoài ra, Bắc Kinh không gửi quân đội tới tham gia mà chỉ cử tàu chiến đang tuần tra, chống cướp biển ở khu vực Somali – Vịnh Aden tham dự .
Đối với Iran, họ phải vội vã tuyên bố rằng họ rất gần gũi với Trung Quốc và Nga. Lúc này, Tehran về khách quan cần chứng tỏ rằng họ có nhiều bạn bè. Tuy nhiên, Bắc Kinh lưu ý, sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc tập trận này về cơ bản sẽ không nhắm vào bên thứ ba hoặc không tham gia vào bất kỳ liên minh khu vực nào.
Người lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Đông năm 2016 đã nói: “Chúng tôi kiên trì ba nguyên tắc ‘không tìm kiếm người đại diện, không gây phạm vi ảnh hưởng, không lấp đầy khoảng trống quyền lực’ ở Trung Đông. Hoạt động của chúng tôi ở vùng biển Trung Đông chủ yếu là chống cướp biển, cung cấp an ninh công cộng cho khu vực”.
Một chuyên gia về Trung Đông của Trung Quốc nói: trên thực tế, Trung Quốc luôn tương đối trung lập ở Trung Đông và tuân thủ chính sách không liên kết. Trung Quốc cũng đã hợp tác với Ả rập Saudi và tiến hành các cuộc tập trận chung, cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Nhưng mỗi khi như thế phương Tây đều tận dụng cơ hội để đưa ra một số nghi ngờ.
Giới quan sát Trung Quốc cho rằng, chỉ nên coi cuộc tập trận trên biển chung Trung Quốc – Nga - Iran này là một cuộc tập trận quân sự bình thường. Nó chỉ là một trong nhiều cuộc tập trận quân sự với quy mô khác nhau được tổ chức ở khu vực này mỗi năm, không nên suy diễn quá lên.