Điều gì đằng sau cuộc gặp gỡ giữa bà Pelosi và Chủ tịch hãng sản xuất chip TSMC của Đài Loan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã gặp Chủ tịch hãng TSMC Mark Liu trong chuyến công du Đài Loan của bà, trong bối cảnh Mỹ đang muốn làm suy yếu ngành công nghệ của Trung Quốc.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vẫy tay chào các nhà báo khi bà đến thăm trụ sở Quốc hội Đài Loan hôm 3/8 (ảnh AFP)
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vẫy tay chào các nhà báo khi bà đến thăm trụ sở Quốc hội Đài Loan hôm 3/8 (ảnh AFP)

Theo hãng tin Đài Loan CNA, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hôm thứ Tư (3.8) đã có buổi nói chuyện với ông Mark Liu, Chủ tịch Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, trong chuyến thăm chớp nhoáng của bà tới hòn đảo này.

Theo nguồn tin từ ông Ker Chein-ming, ủy viên Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền tại quốc hội Đài Loan, cuộc thảo luận giữa bà Pelosi và ông Mark Liu liên quan đến Đạo luật Chip và Khoa học, đã được Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ thông qua vào tuần trước.

Luật mới của Mỹ được nhiều người coi là kế hoạch của Washington nhằm làm suy yếu vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Việc gặp gỡ của bà Pelosi với Chủ tịch TSMC không được lên kế hoạch trước trong hành trình chính thức của bà Chủ tịch Hạ viện, bao gồm các cuộc họp cấp cao với các quan chức Đài Loan như bà Thái Anh Văn - người đứng đầu hòn đảo, ông Tsai Chi-chang - Phó lãnh đạo cơ quan lập pháp và ông Lại Thanh Đức (William Lai) - người đứng thứ hai Đài Loan sau bà Thái Anh Văn.

Hãng TSMC đã từ chối bình luận về buổi gặp gỡ, điều này cũng đã được Washington Post đưa tin.

Quyết định của bà Pelosi dành thời gian cho cuộc gặp với lãnh đạo TSMC trong chuyến công du chớp nhoáng của bà cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan trong việc cung cấp chất bán dẫn tiên tiến quan trọng đối với cả Trung Quốc và Mỹ.

TSMC hiện đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiến trình 5 nanomet ở bang Arizona của Mỹ, dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024. Nhà máy này dự kiến ​​sẽ sản xuất chip công nghệ kém hơn một cấp so với nhà máy sản xuất chip tại Đài Loan vào thời điểm đó.

Chuyến thăm cấp cao của bà Pelosi diễn ra khi Washington đang nỗ lực hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, vốn đã phát triển nhờ dựa vào các công nghệ nhập khẩu.

Đạo luật Chip và Khoa học của Mỹ hứa hẹn trợ cấp 52 tỉ USD cho các công ty sản xuất chip xây dựng nhà máy trên đất Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng đang thúc đẩy cái gọi là Liên minh Chip 4 - một quan hệ đối tác được Mỹ hình dung bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, không có Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ cũng đang vận động tập đoàn sản xuất thiết bị làm chip khổng lồ ASML của Hà Lan ngừng bán thêm các hệ thống in thạch bản cho đế bán dẫn cho các công ty Trung Quốc.

Trong khi có rất ít thông tin về cuộc gặp giữa bà Pelosi và ông Mark Liu được công bố, cuộc gặp này đã gây ra sự tức tối từ phía Trung Quốc đại lục.

Nhà phân tích Xiang Ligang sống ở Bắc Kinh đã đổ lỗi cho TSMC vì đã không sản xuất những con chip công nghệ tiên tiến nhất tại đại lục (TSMC có nhà máy tại Trung Quốc nhưng chỉ sản xuất những dòng chip cấp thấp - PV). Ông Xiang nói rằng ngành công nghiệp chip sẽ tập trung vào cạnh tranh hơn là hợp tác, và Trung Quốc đang quyết tâm cải thiện năng lực sản xuất chip của mình.

“Đài Loan chỉ đang sử dụng các nguồn lực, nhân tài và thị trường đại lục vì lợi ích phát triển của chính mình.” Ông Xiang nói thêm rằng nếu TSMC hợp tác với Mỹ, nó sẽ phủ bóng đen lên sự phát triển trong tương lai của công ty này ở đại lục.

TSMC chỉ sản xuất chip với công nghệ cũ hơn ở Trung Quốc vì luật pháp Đài Loan quy định các công ty sản xuất chip, chẳng hạn như TSMC, chỉ chế tạo các sản phẩm chậm hơn ít nhất hai thế hệ so với các công nghệ tiên tiến nhất hiện có ở Đài Loan.

Trung Quốc vẫn dựa vào TSMC và Samsung Electronics của Hàn Quốc để có các con chip tiên tiến nhất sử dụng cho điện thoại thông minh, vì các nhà máy sản xuất chip ở Đại lục vẫn kém các công ty Đài Loan và Hàn Quốc về “thế hệ chip”.

Theo hãng phân tích TechInsight của Canada, nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), có thể đã đạt được khả năng sản xuất chip tiến trình 7 nanomet. SMIC - công ty có trụ sở tại Thượng Hải này không xác nhận cũng không phủ nhận nguồn tin.

Khả năng chế tạo chip tiên tiến hàng đầu thế giới của TSMC, mà người Đài Loan gọi là “ngọn núi thiêng bảo vệ”, từ lâu đã làm dấy lên đồn đoán rằng một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ chiếm đảo bằng vũ lực.

Chủ tịch Mark Liu của TSMC cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN tuần này rằng không ai có thể kiểm soát công ty bằng vũ lực, bởi vì bất kỳ hoạt động quân sự hoặc "xâm lược" nào sẽ "khiến các nhà máy của TSMC không thể hoạt động". Ông cũng nói rằng TSMC không nên bị phân biệt đối xử đơn giản vì nó “gần Trung Quốc”.

TSMC vận hành một nhà máy sản xuất chip ở thành phố Nam Kinh, miền đông Trung Quốc để sản xuất chip tiến trình 16 nanomet và 28 nanomet . Họ cũng có một nhà máy sản xuất khác ở Thượng Hải.

Bà Pelosi đã kết thúc chuyến công du Đài Loan của mình vào chiều 3.8 trong khi nhận được những lời cảnh báo mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Bà đã lên một chiếc máy bay của Không quân Hoa Kỳ, cùng với năm thành viên Quốc hội Hoa Kỳ, cho chặng thứ tư của chuyến công du châu Á tới Hàn Quốc.

Trước khi rời hòn đảo, bà Pelosi đã tweet, "Đừng nhầm lẫn: Mỹ vẫn kiên định trong cam kết của chúng tôi với người dân Đài Loan - bây giờ và trong nhiều thập kỷ tới."

Theo SCMP