Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được đánh giá là tiến bộ, vì lợi ích lâu dài của người lao động. Thế nhưng, câu chuyện về việc nhiều công nhân lao động Công ty Pou Yuen đòi lấy bảo hiểm xã hội một lần đã thực sự khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Để thông tin đa chiều tới bạn đọc về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, chúng tôi phỏng vấn ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về vấn đề này.
- Thưa ông, những ngày qua, công nhân Công ty Pou Yuen đình công bày tỏ sự không đồng tình với Điều 60 Luật BHXH. Ông đánh giá vụ việc này như thế nào?
Ông Đặng Như Lợi: Tôi có theo dõi vụ việc này và thấy rằng người lao động chưa hiểu hết tính ưu việt của điều luật này, thế nhưng cách giải thích của những đơn vị chức năng lại chưa thực sự thỏa đáng để công nhân thực sự “thông”.
Trước hết phải xác định tên gọi của loại bảo hiểm này là gì? Đây thực chất là bảo hiểm hưu trí. Ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn… không thể lấy từ nguồn bảo hiểm này. Vì thế không thể trả một lần được.
Về bản chất, bảo hiểm hưu trí là bảo hiểm cuộc sống cho người lao động khi người ta già yếu do hết tuổi lao động. Vậy tại sao chưa hết tuổi lao động, vẫn còn khỏe mạnh lại đòi lấy khoản tiền đó để lấy cái đó ăn, tại sao lại bảo đưa cho tôi để còn làm cái nọ, cái kia, rồi đấu tranh. Có nước nào trên thế giới làm thế đâu? Ở đây, người lao động có thói quen tạo một “mớ” thu nhập, đòi cầm trong tay rồi không cần biết đoạn đằng sau thế nào.
Còn bây giờ, người lao động đã đóng bảo hiểm được 5 năm hay 10 năm thì tiền đó là Nhà nước nợ. Tiền đó phải tiếp tục “đẻ” ra quỹ theo qui định đã ghi trong luật. Tăng trưởng đó phải đảm bảo bù được trượt giá.
Khi chưa đủ tuổi hưu trí thì có cách hỗ trợ khác
- Vậy theo ông có nhất thiết phải sửa Điều 60 Luật BHXH không?
Ông Đặng Như Lợi: Không phải sửa vì câu chuyện này chúng ta đã bàn mãi rồi. Chúng ta đã tính rất kỹ lưỡng rồi mới quyết tâm như vậy. Trước đây là trả 1 lần cho người lao động, nhưng Nghị quyết của Đảng đã đề ra vì sự ổn định lâu dài và hoàn toàn có lợi cho người lao động. Nhưng bây giờ do họ muốn rằng khoản đóng góp đó phải được sử dụng ngay. Người lao động họ đâu hiểu được nếu mình không thuyết phục, giải thích cho người ta một cách rõ ràng.
Còn đã sửa điều luật này thì phải loại bỏ ngay bảo hiểm hưu trí, không thể gọi là bảo hiểm hưu trí được. Tôi vẫn nhắc lại rằng đã là bảo hiểm hưu trí thì tại sao đang tuổi khỏe mạnh lại lấy ra ăn? Thế là sai! Thế giới không nước nào làm như vậy.
Trước đây, có những công nhân, kể cả viên chức người Việt Nam làm cho Pháp chỉ có 3-5 năm thôi, sau đó khi họ tròn 60 tuổi thì họ có thông báo nhận được lương hưu. Họ rất lạ, nhưng vì đó là bảo hiểm hưu trí. Nhưng phải đến 60 tuổi thì họ mới cho hưởng bảo hiểm hưu trí. Cách làm phải đúng với tên, mục đích của khoản bảo hiểm ấy. Còn khi chưa đủ tuổi hưu trí thì họ có cách hỗ trợ khác.
Công nhân đã không hiểu biết rồi thì mình phải nói cho họ hiểu. Nếu sửa thì phải đặt tên khác đi, không phải là bảo hiểm hưu trí nữa.
Mỗi năm mấy trăm ngàn người lấy tiền như thế sau họ lại tiếp tục đi làm rồi lấy khoản đó ăn tiêu, chứ không phải tổ chức sản xuất, kinh doanh gì cả… Người nào biết tính toán thì có tích lũy. Sau đó lại đi làm 5-7 năm ở đâu đó, lại chuyển chỗ khác lại đòi tiếp. Đến lúc về già là hết, không có gì cả, ai nuôi? Thế là Luật Người cao tuổi lại phải đứng ra gánh.
Ở đây nói đến cả bảo hiểm hưu trí theo tiền lương và cả bảo hiểm hưu trí xã hội. Các đối tượng xã hội mà không có nguồn bảo hiểm mình cũng phải chuyển dần để đến 60 tuổi là chuyển trợ cấp xã hội thành hưu trí xã hội. Chúng ta phải làm từ bây giờ để 20 năm sau chuyện đó sẽ được xử lý.
- Thế nhưng, người lao động cứ đòi lĩnh “một cục” thì sao, thưa ông?
Ông Đặng Như Lợi: Đã là luật pháp thì phải nghiêm minh. Tất nhiên mình phải tuyên truyền, giáo dục cho họ. Luật pháp không phải là chuyện tôi thích làm cái này thì làm.
Mục tiêu của Luật này là đảm bảo an sinh xã hội lâu dài. Mà bảo hiểm hưu trí mới là cái lâu dài. Còn ốm đau, thai sản là cái bất thường của số đông cho số ít, còn bảo hiểm hưu trí là cho chính mình, phần đông nộp để hưởng, chứ không phải chia sẻ. Phần chia sẻ cũng có nhưng không đáng kể, chỉ khoảng 3% cho những người bị đột tử.
Còn những người tứ cố, vô thân thì không có trợ cấp tuất mà người thân chỉ hưởng trợ cấp một lần. Thứ hai là những người có thời gian đóng hơn 30 năm thì được hưởng 1 lần nhưng lần đó chỉ là 1 năm nửa tháng lương, trong khi họ đóng 1 năm là 2,6 tháng lương. Đấy là cái chia sẻ.
Khi ta tính cân đối quỹ, tuổi thọ bình quân khi nghỉ hưu (tức là quỹ hưu trí tính bình quân chỉ 12 năm) bây giờ lên 20 năm. Một vấn đề nữa là chính sách của ta băm nhỏ các giai đoạn nên “chết”. Nó không phải là phương pháp “tọa thu tọa chi” như thế giới mà là phương pháp “tồn tích” theo giai đoạn.
Đó là trước năm 1995, từ 1995-2000, 200-2007, 2007 đến nay… mỗi giai đoạn lại tính toán khác nhau. Năm 1991 tôi cho rằng đây là phương pháp tài khoản không đầy đủ nên chuyển sang phương pháp tài khoản. Họ nộp được 5 năm thì sau đó coi như trong tài khoản cá nhân của họ có 5 năm, như một khoản tiết kiệm, nhưng là cách tiết kiệm ưu đãi, Nhà nước lo.
Theo: CafeF