Diễn kịch bằng tiếng Anh, sinh viên thích được “trả bài” thầy cô

VietTimes – Chương trình Sân khấu học đường của Đại học Mở (TP.HCM) khiến sinh viên say sưa luyện tập để “trả bài” môn Văn học Anh Mỹ.
Toàn bộ các vở diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh
Toàn bộ các vở diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh

Thông điệp nhân văn

Tối 24/5, chương trình Sân khấu học đường của Đại học Mở TP.HCM đã trình diễn vở “Tấm chăn kỷ vật” (The Patchwork Quilt), của tác giả Rachel Field. 

Hai vợ chồng trẻ Joe Wendall và Anna Wendall quá lo lắng kiếm tìm tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đất đai bị thất lạc, có lẽ chỉ bà mẹ già Willis mới biết nó được cất giữ ở đâu. Họ nôn nóng tra hỏi bà mẹ già. 

Hồi ức tươi đẹp về gia đình êm ấm thời còn phải khâu tấm chăn chắp vá
Hồi ức tươi đẹp về gia đình êm ấm thời còn phải khâu tấm chăn chắp vá

Tấm chăn chắp vá sờn cũ là biểu tượng của tình cảm gia đình và những người thân mà bà Willis yêu quý. Khi có tấm chăn, bà cảm thấy bình an trong những kỷ niệm của quá khứ; khi không có nó, tâm trí bà trở nên mơ hồ và mờ mịt đến mức lú lẫn.

Trong căn nhà mới được vợ chồng con gái sửa sang lại, những món đồ nội thất mới sắm sửa rất lạ với cảm nhận của bà Willis, làm cho bà cảm thấy lạc long, cô đơn, nhất là khi những người thân đã mất. Chôn giấu trong ký ức của bà Willis là nơi cất giữ tờ chứng nhận quyền sở hữu đất.

“Vở diễn gửi thông điệp nhân văn về thói tham lam, mê mải chạy theo những giá trị vật chất, của cải, tiền bạc, đánh mất lòng hiếu thảo, tình thương yêu, sự quan tâm đối với bậc sinh thành. Đây là vấn đề đau lòng của mọi thời đại và mọi xã hội” – Thầy Lê Quang Trực, giảng viên ngành Ngôn ngữ Anh (Đại học Mở TP.HCM) nói.

Chỉ có đứa cháu gái nhỏ là hiểu được đời sống nội tâm của bà ngoại
Chỉ có đứa cháu gái nhỏ là hiểu được đời sống nội tâm của bà ngoại 

Lôi cuốn, say mê và trải nghiệm thực tế

Mỗi năm học, chương trình Sân khấu học đường của Đại học Mở TP.HCM lại đưa đến cho sinh viên những trải nghiệm với các vở kịch khác nhau.

Cuối năm 2018, Sân khấu học đường mang cho khán giả các vở “King Lear” bi kịch của William Shakespeare và “Jane Eyre” (của nhà văn nữ người Anh Charlotte Bronte).

Trước đó là các vở: "Agnes Grey" - câu chuyện kịch về những mâu thuẫn trong giáo dục mà thời đại nào cũng có; "The Happy Prince" - được dựng từ nguyên tác của đại văn hào Oscar Wilde, về tình bạn đích thực, tình yêu vị tha và đức hy sinh; "Wuthering Heights" (tác giả Emily Bronte) và vở diễn xúc động "My sister’s keeper" (dàn dựng từ tác phẩm văn học của tác giả Jodi Picoult), một bi kịch đương đại nổi tiếng toàn cầu, từng được dịch ra nhiều thứ tiếng, dựng thành phim điện ảnh Mỹ, tựa dịch tiếng Việt là "Người bảo vệ chị gái".

Vở diễn lên án thói tham lam, mê mải chạy theo những giá trị vật chất
Vở diễn lên án thói tham lam, mê mải chạy theo những giá trị vật chất

Các vở diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh, diễn tại nhiều địa điểm: sân khấu của Nhà hát Kịch TP.HCM; sân khấu đường sách TP.HCM (trích đoạn vở “Romeo và Juliet”)…

Chương trình Sân khấu học đường bắt đầu từ năm 2009, là một hoạt động của Khoa Ngữ văn Anh (Đại học Mở TP HCM), đến giờ đã tròn 10 năm hoạt động.

Cô Trần Thị Lệ Quyên (Phòng Đào tạo) cho biết: “Sinh viên Đại học Mở TP.HCM tùy theo chuyên ngành, sẽ có những cách đi vào thực tế khác nhau, ví dụ như thực hành mô phỏng các phiên tòa giả định đối với khoa Luật. Riêng khoa Ngữ văn Anh và chương trình Sân khấu học đường thì đặc biệt hơn ở chỗ thầy Lê Quang Trực đã mang đến cho hoạt động đào tạo một mô hình mới mẻ".

Thầy Lê Quang Trực nói về tâm huyết xây dựng chương trình
Thầy Lê Quang Trực nói về tâm huyết xây dựng chương trình 

"Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì trường chưa có nhà hát; các bạn sinh viên tham gia phải thuộc thoại và diễn bằng tiếng Anh. Ngoài kiến thức thông thường, sinh viên còn phải có kiến thức xã hội và tài năng nghệ thuật nữa. Nhưng thấy các em tham gia hào hứng qua mỗi mùa kịch, nhà trường cũng thấy rằng đây là cách học ngôn ngữ đi vào thực tế rất tốt; khiến sinh viên lôi cuốn, say mê, để lại nhiều kỷ niệm đẹp cho đời sinh viên. Quan trọng nhất là vở diễn nào của Sân khấu học đường cũng đầy tính nhân văn, với những thông điệp hữu ích cho giới trẻ và xã hội nên nhà trường cũng rất mong có thể duy trì và cải tiến để các vở diễn ngày càng tốt hơn” - Cô Trần Thị Lệ Quyên khẳng định.