Nâng cấp hội thảo học thuật thành diễn đàn quốc tế quan trọng
Bắt đầu từ năm 2006, do Viện Khoa học quân sự và Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đứng ra tổ chức, lúc đầu đây chỉ là cuộc hội thảo học thuật quốc tế mang tên Diễn đàn Hương Sơn với 50 học giả quốc tế tham gia, tiến hành 2 năm một lần. Từ năm 2014 Diễn đàn Hương Sơn chuyển thành diễn đàn quốc tế về phòng thủ và an ninh tiến hành mỗi năm một lần (trừ năm 2017 không tổ chức được với lý do Viện Khoa học quân sự Trung Quốc đang tái cơ cấu). Đến năm nay, hoạt động có tính trao đổi học thuật này được đổi tên thành “Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh” với sự có mặt của 500 đại biểu đến từ 67 quốc gia và 7 tổ chức quốc tế, trong đó có gần 50 quan chức cấp Thứ trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, hơn 80 chuyên gia, học giả nước ngoài và gần 40 chuyên gia, học giả Trung Quốc về vấn đề quốc phòng và an ninh quốc tế. Lần đầu tiên Triều Tiên đã cử đoàn tham gia do Thứ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang, Đại tướng Kim Heng Long dẫn đầu.
Lần đầu tiên, Triều Tiên cử đoàn tham dự sau 7 lần vắng mặt.
|
Chủ đề diễn đàn năm nay là “Xây dựng quan hệ đối tác an ninh kiểu mới, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng thắng”; có 4 phiên họp toàn thể để các diễn giả trao đổi xung quanh các chủ đề: “Quan niệm mới, con đường mới giải quyết an ninh quốc tế”, “Mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và cách đối phó”, “Hiện thực và nguyện vọng của sự hợp tác an ninh trên biển” và “Thách thức và hợp tác trong vấn đề gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”. Diễn đàn còn lập 4 tổ thảo luận xoay quanh các vấn đề “Cục diện mới của an ninh khu vực Đông Bắc Á”. “Đánh giá về cơ chế tin tưởng lẫn nhau trong an ninh châu Á – Thái Bình Dương” và “Trí tuệ nhân tạo và diễn biến của hình thái chiến tranh”. Ngoài ra, bên lề diễn đàn còn tổ chức hội thảo giữa các sĩ quan, học giả trẻ Trung Quốc và các nước.
Đại diện Viện khoa học quân sự Trung Quốc nói với báo chí, chủ đề của diễn đàn nhằm đề xướng “Không đặt ra kẻ địch giả tưởng, không nhằm vào nước thứ 3, xây dựng quan hệ đối tác an ninh có tính bao dung và xây dựng” và với tham vọng biến Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh trở thành “sân chơi quan trọng thể hiện sự cống hiến của trí tuệ Trung Quốc và phương án Trung Quốc đối với việc gìn giữ sự ổn định chiến lược toàn cầu và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Theo trang tin Đa Chiều, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh có thể được Trung Quốc sử dụng để thách thức địa vị của Đối thoại Shangri-la. Đối thoại Shangri-la được tổ chức tại Đông Nam Á, một trong những trung tâm của địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương, được Mỹ ngầm ủng hộ. Còn Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh được các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm và ủng hộ, đồng thời có sự tham gia và ủng hộ của các nước Đông Bắc Á và Tây Á. Sự quan tâm của lãnh đạo Trung Quốc thể hiện rõ qua việc ông Tập Cận Bình gửi thư chúc mừng và Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư – nhân vật thứ 3 trong ban lãnh đạo Trung Quốc, tới dự và phát biểu tại bữa tiệc chào mừng tối 24.10. Đa Chiều coi đây là một sự thay đổi quan trọng về mặt ngoại giao bởi khi Diễn đàn tổ chức lần đầu năm 2006, người đến dự và phát biểu chỉ là ông Tôn Á Tài, Phó Chủ nhiệm Văn phòng quan hệ với Đài Loan và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hà Á Phi. Diễn đàn lần 2 năm 2008, người phát biểu là bà Phó Oánh, Thứ trưởng Ngoại giao …Các năm 2014 và 2015, người phát biểu chào mừng đều là Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Diễn đàn.
|
Về phía quân đội Trung Quốc, trong các lần trước đây, người đến dự và phát biểu tại Diễn đàn lần thứ nhất là Trợ lý Tổng Tham mưu trưởng Chương Tất Sinh, các lần sau thường là Phó Tổng TMT Mã Hiểu Thiên hoặc Thích Kiến Quốc; năm 2016 (lần 7) là Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, lần này là Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa.
Một điểm đáng chú ý, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2018 được tiến hành cùng lúc với cuộc Diễn tập Hải quân ASEAN - Trung Quốc (ACMEX) 2018 lần đầu tiên, diễn ra từ ngày 22.10 đến 26.10 ngoài khơi quân cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với sự tham gia của các tàu hải quân Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Brunei, Thái Lan và Philippines, trong khi các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar chỉ cử quan sát viên.
Trang tin Đa Chiều (DWNews) cho rằng, những động thái này của Trung Quốc nhằm tỏ rõ họ đã giành được những đột phá rõ rệt trong việc xử lý mối quan hệ đa phương và có ý thách thức Đối thoại Shangri-la do Mỹ và các nước phương Tây chủ xướng, thể hiện tiếng nói của họ trong vấn đề an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Diễn đàn trở thành nơi Trung Quốc chỉ trích Mỹ
Điều khiến nhiều đại biểu tham dự diễn đàn bất ngờ là những ý kiến chỉ trích Mỹ mạnh mẽ trong các bài phát biểu của các ông Lật Chiến Thư và Ngụy Phượng Hòa tại diễn đàn.
Bài phát biểu của ông Lật Chiến Thư tối 24.10 được coi là sự đáp trả bài diễn văn của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Học viện Hudson hôm 4.10. Khi đó, ông Mike Pence điểm lại lịch sử quan hệ Mỹ - Trung đã cho rằng Mỹ đã tái thiết Trung Quốc, còn Trung Quốc thì vong ân bội nghĩa, chiếm lợi thế trước Mỹ về mậu dịch và can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ…
Ông Lật Chiến Thư dẫn lời ông Tập Cận Bình cho rằng, thành tựu lịch sử Trung Quốc giành được qua 40 năm Cải cách mở cửa và những thay đổi có tính lịch sử là kết quả của ý chí đoàn kết, phấn đấu vươn lên của nhân dân Trung Quốc; con đường Cải cách mở cửa của Trung Quốc là con đường “hợp tác cùng chiến thắng” giữa Trung Quốc với thế giới.
Lật Chiến Thư cho rằng, mậu dịch song phương Trung – Mỹ quyết không phải là “đường một chiều” Mỹ đem của cải đến cho Trung Quốc. Thực tế, Mỹ đã giành được lợi ích kinh tế rất lớn từ việc hợp tác với Trung Quốc. Hai bên cần cùng đi một hướng, thông qua đàm phán giải quyết ổn thỏa các vấn đề tồn tại để quan hệ hai bên phát triển theo quỹ đạo đúng.
Lật Chiến Thư còn khẳng định “lập trường nguyên tắc của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên và vấn đề Biển Đông” và chĩa mũi nhọn vào Mỹ khi nói: “Có quốc gia đã áp dụng một loạt cách làm sai trái trong vấn đề Đài Loan, làm tổn hại đến hòa bình ổn định của khu vực eo biển Đài Loan, cũng uy hiếp hòa bình, an ninh khu vực, chúng tôi kiên quyết phản đối”. Lật Chiến Thư nói: “Đài Loan là một bộ phận không thể chia cắt của Trung Quốc; Trung Quốc có ý chí kiên định, niềm tin và đủ khả năng đánh bại âm mưu chia cắt, Đài Loan độc lập dưới bất cứ hình thức nào”.
Sáng 25.10, sau khi đọc Thư chào mừng của ông Tập Cận Bình, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã phát biểu, nhấn mạnh: cục diện an ninh thế giới đang đứng trước thách thức nguy hiểm, xây dựng mối quan hệ đối tác an ninh kiểu mới là xu thế lớn hiện nay. Trung Quốc đề nghị “kiên trì cùng có lợi, không chia rẽ đối đầu. Kiên trì bao dung rộng mở, không kết bè đối kháng. Kiên trì cùng nhau xây dựng, không theo chủ nghĩa đơn phương. Kiên trì tôn trọng lẫn nhau, không lớn bắt nạt nhỏ”.
Theo Financial Times, ông Ngụy Phượng Hòa nói, Mỹ đã đi ngược lại xu thế hòa bình phát triển không thể đảo ngược của thời đại. Ông nhắc đến việc “một quan chức cao cấp Mỹ” (chỉ Mike Pence) gần đây khi phát biểu đã “vu khống Trung Quốc can thiệp nội bộ Mỹ và vô cớ chỉ trích Trung Quốc”. Ông nói: “Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Mỹ sửa đổi những lời lẽ sai trái, đình chỉ làm tổn hại lợi ích Trung Quốc và quan hệ hai bên. Sự thực chứng minh, chủ nghĩa bá quyền và đối kháng đã lỗi thời trong quan hệ an ninh”.
Ngụy Phượng Hòa cũng nói về việc tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan mấy ngày trước đó. Ông nói: “Trung Quốc là một nước lớn duy nhất trên thế giới chưa thực hiện được thống nhất…Việc lặp lại hành động khiêu khích giới hạn cuối cùng của Trung Quốc trong vấn đề này vô cùng nguy hiểm. Nếu có bất cứ ai muốn chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ có hành động kiên quyết; chúng tôi sẽ không tiếc bất cứ giá nào”.
Theo trang tin Đa Chiều, về vấn đề Biển Đông, Ngụy Phượng Hòa đã cho rằng việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông một cách phi pháp là “thực thi quyền tự vệ của quốc gia có chủ quyền, không liên quan đến quân sự hóa”. Ông ta ám chỉ Mỹ khi nói, Trung Quốc “phản đối quốc gia ngoài khu vực giương chiêu bài tự do hàng hải để tới Nam Hải (Biển Đông) thể hiện vũ lực và tiến hành khiêu khích, làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực”.
Ông Lật Chiến Thư, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc đến dự và phát biểu tại bữa tiệc chào mừng tối 24.10
|
Bàn về những phát biểu của các nhân vật lãnh đạo Trung Quốc tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2018, ông Timothy Heath, nghiên cứu viên cao cấp về vấn đề quân sự quốc tế của Công ty tập đoàn tư vấn chính sách toàn cầu RAND Corporation nói: “Vấn đề Đài Loan tiếp tục là một điểm đau trong quan hệ Mỹ - Trung. Mỹ có vẻ đang gia tăng giao lưu với Đài Loan, điều này rõ ràng đang kích nộ Trung Quốc. Tôi cho rằng, quan hệ giữa quân đội hai nước đã rất căng thẳng; điều bất hạnh là vấn đề này sẽ làm sự căng thẳng đó gay gắt thêm. Thế nhưng hiện nay tôi không thấy có bất cứ cách gì có thể làm hòa dịu tình hình căng thẳng đó. Hai bên tồn tại bất đồng nghiêm trọng nhưng không có bất cứ bên nào có ý định thỏa hiệp”.
Về vấn đề Biển Đông, Timothy Heath nói: “Bất đồng của hai bên Mỹ - Trung trong vấn đề Biển Đông có khả năng sâu thêm”. Ông nói: “Tôi cho rằng. Mỹ đã tỏ rõ họ muốn giữ sự tham dự tích cực vào Biển Đông. Mỹ sẽ không chấp nhận quan điểm của Trung Quốc muốn Mỹ thừa nhận chủ quyền Trung Quốc (đối với Biển Đông) hoặc phải thỉnh cầu sự cho phép của Trung Quốc. Mỹ sẽ không làm điều đó. Tôi cho rằng Trung Quốc rất bất bình về điều này. Nhưng hiện nay không thấy có bất cứ khả năng nào để Trung Quốc có thể buộc Mỹ từ bỏ lập trường đó”.
Timothy Heath cho rằng, Bắc Kinh lần này tổ chức Diễn đàn Hương Sơn nhằm tới 2 mục tiêu lớn trong nước và quốc tế. Về đối nội, họ muốn tỏ cho thấy lập trường cứng rắn, không hề sợ hãi trước Mỹ và tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình. Về dối ngoại, Trung Quốc muốn thể hiện hình ảnh hữu hảo trước mọi quốc gia trong khu vực.