Điện đàm Joe Biden-Tập Cận Bình: Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi những gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ 17 phút vào tối 28/7 theo giờ Bắc Kinh. Hai người đã chủ yếu trao đổi quan điểm về vấn đề Đài Loan.  
Ông Joe Biden điện đàm với ông Tập Cận Bình từ Nhà Trắng (Ảnh: AP).
Ông Joe Biden điện đàm với ông Tập Cận Bình từ Nhà Trắng (Ảnh: AP).

Theo một tuyên bố do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình nói "lịch sử của vấn đề Đài Loan rất rõ ràng, thực tế và tình hình hiện tại cả hai bên bờ eo biển Đài Loan thuộc về một Trung Quốc là rõ ràng". Ông nhắc lại rằng ba bản thông cáo chung Trung-Mỹ là cam kết chính trị của cả hai bên và nguyên tắc “một Trung Quốc” là nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ.

Tuyên bố viết: "Chúng tôi kiên quyết phản đối chủ nghĩa ly khai 'Đài Loan độc lập' và sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, sẽ không để lại bất kỳ không gian nào cho thế lực 'Đài Loan độc lập' dưới bất kỳ hình thức nào”; "không thể đi ngược lòng người, chơi với lửa tất bị bỏng, hy vọng phía Mỹ hiểu rõ điều này.”

Trong khi đó, Nhà Trắng nói, ông Biden nói với ông Tập rằng chính sách Đài Loan của Mỹ không thay đổi, nhưng Washington cực lực phản đối bất kỳ bên nào nỗ lực thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Ông Biden chỉ ra rằng thế giới ngày nay đang ở trong một giai đoạn quan trọng, và sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ mang lại lợi ích cho người dân hai nước, mà còn cho người dân các nước khác, Mỹ muốn duy trì liên lạc, đối thoại với Trung Quốc, tìm kiếm sự hợp tác trong các lĩnh vực có chung lợi ích, đồng thời quản lý ổn thỏa những khác biệt.

Cuộc điện đàm qua truyền hình giữa hai ông kéo dài 2 giờ 17 phút, chủ yếu đề cập đến vấn đề Đài Loan trong quan hệ hai nước (Ảnh: DPA).

Cuộc điện đàm qua truyền hình giữa hai ông kéo dài 2 giờ 17 phút, chủ yếu đề cập đến vấn đề Đài Loan trong quan hệ hai nước (Ảnh: DPA).

Đáng chú ý, trong thông cáo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra có viết, ông Biden đã nói trong cuộc điện đàm ông muốn nhắc lại rằng “chính sách một Trung Quốc của Mỹ không thay đổi và sẽ không thay đổi, Mỹ không ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’ ", nhưng trong tuyên bố của Nhà Trắng không thấy đề cập đến nội dung này.

Hãng tin Reuters phân tích trong bản tin về cuộc điện đàm, cho rằng chính phủ Mỹ rất muốn giảm bớt căng thẳng trong vấn đề Đài Loan, chỉ ra rằng chuyến thăm có thể có của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan là sự ủng hộ kịch tính của Mỹ đối với Đài Loan và một số chuyên gia lo lắng rằng vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng, một động thái như vậy có thể thúc đẩy một cuộc khủng hoảng lớn và thậm chí là một cuộc xung đột ngoài ý muốn.

Ông Scott Kennedy, chuyên gia phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho rằng sự tham gia của cấp lãnh đạo là rất quan trọng để ngăn chặn tình hình đó xảy ra. Ông nói: “Mọi người hy vọng họ đã làm đủ để tránh va chạm trong thời gian ngắn, nhưng rõ ràng giữa hai bên cần có sự giao tiếp thường xuyên và sâu sắc hơn”.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với báo chí rằng hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình đã thảo luận về khả năng có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai người và chỉ thị các nhóm của họ nghiên cứu vấn đề này. Ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc về Đài Loan. Hai người cũng đã thảo luận về các lĩnh vực có khả năng mở rộng hợp tác, bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh y tế và kiểm soát ma túy.

Hai ông đã thảo luận về khả năng diễn ra cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai người kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ (Ảnh: DF).

Hai ông đã thảo luận về khả năng diễn ra cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai người kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ (Ảnh: DF).

Ngoài việc tập trung vào vấn đề Đài Loan, ông Tập Cận Bình cũng cho rằng do tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay đầy thách thức, Trung Quốc và Mỹ nên "duy trì liên lạc về các vấn đề lớn như điều phối chính sách kinh tế vĩ mô, duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu, đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu".

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn: "Việc tách rời và phá vỡ dây chuyền trái quy luật sẽ không giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, cũng sẽ khiến nền kinh tế thế giới càng suy yếu hơn. Cả hai bên nên thúc đẩy việc rút lui và hạ nhiệt các vấn đề điểm nóng khu vực và giúp thế giới nhanh chóng thoát khỏi đại dịch COVID-19, thoát khỏi tình trạng đình trệ và nguy cơ suy thoái kinh tế, giữ gìn hệ thống quốc tế lấy Liên Hợp Quốc làm hạt nhân và trật tự quốc tế lấy luật quốc tế làm cơ sở.”

Một số nhà phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình có ý định tránh leo thang căng thẳng khi ông tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba trong năm nay. Cũng có người cho rằng việc tuyên truyền vấn đề Đài Loan có thể khiến ông Tập phân tán sự chú ý trong nước khỏi vấn đề nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.

Khi được yêu cầu bình luận về cuộc điện đàm Joe Biden-Tập Cận Bình, Văn phòng đại diện của Đài Loan tại Washington nói với Reuters: “Đài Loan cám ơn ông Biden vì đã "nhấn mạnh tầm quan trọng của lợi ích chung của chúng tôi đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan."

Cả Washington và Bắc Kinh đều đang vật lộn với những khó khăn kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc đã bị vùi dập bởi việc thực hiện nghiêm ngặt "chính sách Zero Covid" và các cuộc phong tỏa thành phố toàn diện, trong khi Mỹ đang bị kẹt giữa kinh tế suy thoái và lạm phát phi mã. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 28/7 cho biết, Trung Quốc sẽ cố gắng đạt được kết quả kinh tế tốt nhất trong năm nay, từ bỏ các lời kêu gọi đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022. Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp Bộ Chính trị do ông Tập Cận Bình chủ trì.

Quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên cho biết, Chính quyền Biden luôn xem xét liệu có nên bãi bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc như một cách để làm giảm lạm phát đang tăng vọt, nhưng ông Biden đã không thảo luận về khả năng này với ông Tập.

Hai nhà lãnh đạo còn trao đổi ý kiến về cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong cuộc điện đàm hồi tháng 3 giữa hai người, ông Biden đã cảnh báo rằng, nếu Bắc Kinh hỗ trợ vật chất cho Nga “xâm lược” Ukraine sẽ lãnh chịu một số hậu quả, Washington tin rằng Bắc Kinh đã không vượt qua lằn ranh đỏ này.

Trong lúc này, Đài Loan tiếp tục phàn nàn Trung Quốc tăng cường tập trận quân sự. Trước cuộc điện đàm của ông Biden với ông Tập Cận Bình, quân đội Đài Loan cho biết họ đã bắn đạn tín hiệu để cảnh cáo một máy bay không người lái của Trung Quốc đã hai lần bay vào vùng trời khu vực Đông Dẫn (Dongyin) của Đài Loan.

Ngày 29/7, bà Pelosi đã lên đường công du châu Á, nhưng khả năng thăm Đài Loan vẫn còn để ngỏ (Ảnh: AP).

Ngày 29/7, bà Pelosi đã lên đường công du châu Á, nhưng khả năng thăm Đài Loan vẫn còn để ngỏ (Ảnh: AP).

Quân đội Đài Loan cho biết, chiếc máy bay không người lái này không loại trừ khả năng tiến hành do thám khu vực phòng thủ này, đồng thời thăm dò các hành động đối phó liên quan. Sở chỉ huy Dongyin đã phản ứng theo đúng quy trình hoạt động tiêu chuẩn, bắn đạn tín hiệu để cảnh cáo xua đuổi, duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu và triển khai các hoạt động ngụy trang che giấu.

Trong một diễn biến mới nhất, theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 29/7, những người quen thuộc với vấn đề cho biết Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ lên đường thăm châu Á vào hôm nay (29/7). Một nguồn tin nói rằng Đài Loan được đưa vào danh sách hành trình "tạm dự kiến" (tentative).

NBC dẫn lời một trong những nguồn tin cho biết chuyến đi của bà Pelosi sẽ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore. Hamill, người phát ngôn của bà Pelosi, hôm 28/7 từ chối bình luận về kế hoạch công du của bà, sau khi bản thân Pelosi và cấp dưới liên tục từ chối xác nhận hành trình, với lý do an ninh.

Nhà Trắng đã không công khai bày tỏ quan điểm về chuyến thăm của Pelosi, nói rằng do bà quyết định, nhưng các quan chức Bộ Quốc phòng đã bày tỏ mối lo ngại riêng với Pelosi và các nhân viên của bà. Các nghị sĩ Quốc hội của cả hai đảng đều cổ vũ bà Pelosi đến thăm Đài Loan, nói rằng nếu không đi thăm vì sự phản đối của Trung Quốc đại lục đồng nghĩa với việc khuất phục trước áp lực của họ.