Đâu là nhà cung cấp vũ khí chính của Israel và bên nào đã tạm dừng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mỹ đã tạm ngừng chuyển vũ khí cho Israel, bao gồm cả bom phá hầm hạng nặng mà lực lượng Israel đã sử dụng trong cuộc chiến chống lại nhóm Hamas ở Gaza.

1.png
Một cuộc oanh tạc của Israel ở phía đông Rafah ở phía nam Dải Gaza (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra hành động trên sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết tâm mở chiến dịch tấn công quân sự vào thành phố Rafah của Gaza bất chấp sự phản đối của Washington.

Cho đến nay, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Israel, tiếp theo là Đức và Italy. Hai quốc gia khác là Canada và Hà Lan đã ngừng cung cấp vũ khí cho Israel vì lo ngại chúng có thể được sử dụng theo cách vi phạm luật nhân đạo quốc tế - gây thương vong cho dân thường và phá hủy các khu vực sinh sống - ở Gaza.

2.png
Một khu phố bị tàn phá bởi vụ đánh bom của Israel ở Khan Younis ở phía nam Dải Gaza (Ảnh: AFP)

Mỹ

Theo các quan chức Mỹ, số vũ khí bị tạm ngừng chuyển giao cho Israel bao gồm 1.800 quả bom nặng 2.000 pound (907 kg) và 1.700 quả bom nặng 500 pound. Một quan chức Mỹ cho biết quyết định này xuất phát từ những lo ngại về “công dụng cuối cùng của những quả bom nặng 2.000 pound và tác động mà chúng có thể gây ra ở những khu đô thị đông đúc (như Rafah)…”.

Năm 2016, Mỹ và Israel đã ký Biên bản ghi nhớ 10 năm lần thứ ba giai đoạn 2018-2028 cung cấp 38 tỉ USD viện trợ quân sự, 33 tỉ USD tài trợ để mua thiết bị quân sự và 5 tỉ USD cho các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Theo một tờ thông tin hồi tháng 3 do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố, Israel đã nhận được 69% viện trợ quân sự từ Mỹ trong giai đoạn 2019-2023.

Israel là nhà điều hành quốc tế đầu tiên vận hành chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, được coi là máy bay chiến đấu có công nghệ tiên tiến nhất từng được chế tạo. Israel đang trong quá trình mua 75 chiếc F-35 và tính đến năm ngoái đã nhận được 36 chiếc, thanh toán với sự hỗ trợ của Mỹ.

Mỹ cũng đã giúp Israel phát triển và trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Iron Dome (Vòm Sắt), được phát triển sau cuộc chiến năm 2006 giữa Israel và Hezbollah tại Lebanon. Mỹ đã nhiều lần gửi cho Israel hàng trăm triệu USD để giúp bổ sung tên lửa đánh chặn.

Hơn nữa, Washington còn giúp tài trợ cho việc phát triển hệ thống “David's Sling” của Israel, được thiết kế để bắn hạ tên lửa từ khoảng cách 100 km đến 200 km.

3.png
Một máy bay chiến đấu F-35 của Israel (Ảnh: AFP)

Đức

Xuất khẩu quốc phòng của Đức sang Israel đã tăng gần gấp 10 lần lên 326,5 triệu euro (351 triệu USD) vào năm 2023, so với năm trước đó. Theo cơ quan báo chí DPA của Đức, cơ quan đầu tiên đưa tin số liệu, Đức chủ yếu cung cấp cho Israel các linh kiện của hệ thống phòng không và thiết bị liên lạc.

Vũ khí mà Đức xuất khẩu sang Israel bao gồm 3.000 vũ khí chống tăng vác vai và 500.000 viên đạn cho súng cầm tay tự động hoặc bán tự động. DPA cho biết hầu hết giấy phép xuất khẩu đều được cấp cho các phương tiện trên bộ và công nghệ để phát triển, lắp ráp, bảo trì và sửa chữa vũ khí.

Theo số liệu của SIPRI, Đức cung cấp khoảng 30% tổng viện trợ quân sự dành cho Israel trong năm 2019-2023.

4.png
Hệ thống chống tên lửa Iron Dome của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Gaza (Ảnh: Reuters)

Italy

Một nguồn tin của Bộ Ngoại giao ngày 9/5 xác nhận rằng Italy, một trong ba nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Israel cùng với Mỹ và Đức, đã tạm dừng phê duyệt xuất khẩu kể từ cuộc chiến ở Gaza bùng phát. “Mọi thứ đã dừng lại. Và những đơn hàng cuối cùng đã được giao vào tháng 11”, nguồn tin nói với Reuters.

Theo luật pháp Italy, xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia đang tiến hành chiến tranh và những quốc gia bị coi là vi phạm nhân quyền quốc tế là phạm pháp.

Vào tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Guido Crosetto cho biết Italy vẫn tiếp tục xuất khẩu vũ khí sang Israel nhưng chỉ những đơn đặt hàng đã ký trước đó mới được thực hiện. Động thái được đưa ra sau khi nước này thực hiện một số cuộc kiểm tra để đảm bảo vũ khí mà họ cung cấp sẽ không được sử dụng chống lại dân thường Gaza.

Chỉ trong tháng 12 năm ngoái, Italy đã gửi số vũ khí trị giá 1,3 triệu euro cho Israel, gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo của SIPRI, Italy đã cung cấp khoảng 1% tổng viện trợ quân sự cho Israel trong năm 2019-2023, bao gồm cả máy bay trực thăng và pháo binh hải quân.

5.png
Một đơn vị pháo binh cơ động của Israel bắn đạn pháo 155mm vào Gaza (Ảnh: Reuters)

Anh

Anh không phải là một trong những bên cung cấp lớn của Israel. Không giống như Mỹ, chính phủ Anh không trực tiếp cung cấp vũ khí cho Israel mà cấp phép cho các công ty bán vũ khí - thường là các linh kiện trong chuỗi cung ứng của Mỹ, như chiến đấu cơ F-35.

Năm ngoái, Anh đã cấp giấy phép xuất khẩu để bán lượng thiết bị quân sự trị giá ít nhất 42 triệu bảng Anh (52,5 triệu USD) cho Israel. Giấy phép dành cho các mặt hàng bao gồm đạn dược, máy bay không người lái, đạn dược vũ khí nhỏ và các bộ phận của máy bay, trực thăng và súng trường tấn công.

Thủ tướng Rishi Sunak nói với Quốc hội hôm 9/5 rằng Anh có một trong những chế độ kiểm soát cấp phép nghiêm ngặt nhất thế giới, trong đó nước này định kỳ xem xét lại cam kết của Israel đối với luật nhân đạo. Ông nói: “Liên quan đến giấy phép xuất khẩu, theo đánh giá gần đây nhất, sẽ không có gì thay đổi”.

Một số đảng đối lập cánh tả đã kêu gọi chính phủ thu hồi giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Israel do số người chết tăng vọt ở Gaza.

Canada

Chính phủ Canada hôm 20/3 cho biết họ đã ngừng cấp phép xuất khẩu vũ khí sang Israel kể từ ngày 8/1 và việc “đóng băng” sẽ tiếp tục cho đến khi Ottawa có thể đảm bảo vũ khí của họ được sử dụng phù hợp với luật nhân đạo.

Theo các nhóm nhân quyền quốc tế, nhiều thường dân ở Gaza thiệt mạng do các cuộc ném bom và tấn công trên bộ của Israel.

Kể từ cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, Canada đã cấp phép cho lượng vũ khí trị giá ít nhất là 28,5 triệu đô la Canada (21 triệu USD), được xuất khẩu sang Israel.

Hà Lan

Chính phủ Hà Lan đã tạm dừng vận chuyển các bộ phận của chiến đấu cơ F-35 tới Israel từ tháng 2, sau khi phán quyết của tòa phúc thẩm xác định rằng các bộ phận này có khả năng được sử dụng để vi phạm luật nhân đạo. Chính phủ nước này đang kháng cáo phán quyết đó.

Theo SCMP