Theo đó, khoảng 2 tuần trước ngày thực hiện vụ cướp (ngày 11/6) nhóm do tên Ruslan (61 tuổi, có hộ khẩu tại Anambas, Natuna, Indonesia) là chủ mưu, cầm đầu gồm 13 tên và dùng một xuồng cao tốc chuyên dụng trên tàu kéo không tên, ra khu vực biển Indonesia để nằm phục.
Đến khoảng gần 21g ngày 11/6, khi phát hiện tàu Orkim Harmony (chở xăng) đi qua, 10 tên hạ xuồng cao tốc bí mật tiếp cận phía sau lái tàu Orkim Harmony, sử dụng cây tre dài có móc sắt để trèo lên tàu.
Tên Jonh cầm dao leo lên trước, Ruslan cầm súng leo lên sau. Hai tên dùng súng và dao khống chế một thủy thủ tàu Orkim Harmony và ra hiệu cho sáu tên khác leo lên tàu. Chúng ép thủy thủ này đưa lên buồng thuyền trưởng để khống chế thuyền trưởng.
Chúng phá hủy, ném xuống biển thiết bị định vị vệ tinh và thông tin liên lạc. Đồng thời, buộc thuyền trưởng dùng loa truyền lệnh phục tùng mệnh lệnh của chúng, nếu không sẽ bị xử lý bằng dao, súng nguy hiểm đến tính mạng.
Chúng khống chế toàn bộ 22 thuyền viên (hai thợ máy ở buồng máy, hai ở phòng thuyền trưởng, 18 người còn lại ở phòng ăn) cướp hết tư trang, đồ dùng cá nhân của các thủy thủ như: điện thoại, tiền, máy tính xách tay, máy tính bảng…
Sau khi khống chế các thuyền viên tàu Orkim Harmony thành công, chúng ra hiệu cho hai tên còn lại điều khiển xuồng cao tốc trở lại tàu kéo và về Indonesia tìm mối tiêu thụ số hàng vừa cướp được.
Riêng 8 đối tượng còn lại chúng tiếp tục khống chế và yêu cầu thuyền trưởng điều khiển tàu đi lòng vòng từ ngày 11/6 đến 17/6 để tránh bị phát hiện và đợi người đến mua xăng.
Đến ngày 18/6, bị lực lượng chức năng Malaysia phát hiện yêu cầu chúng điều khiển tàu về Malaysia, chúng đã đồng ý và yêu cầu tàu của lực lượng chức năng giữ khoảng cách 8 - 9 hải lý.
Tuy nhiên, trong quá trình bị lực lượng chức năng Mailaysia theo đuổi cho đến khoảng 20 giờ ngày 18-6, lợi dụng đêm tối chúng đã hạ xuồng cứu sinh trên tàu Orkim Harmony để trốn chạy và ném toàn bộ vũ khí gồm 2 khẩu súng và 8 con dao xuống biển.
Trong quá trình trốn chạy, khi số người trên xuồng phát hiện lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang truy bắt, chúng liền điều khiển tàu vào đảo Thổ Chu để lẩn trốn.
Cảnh sát biển đã sử dụng phương pháp khai thác mâu thuẫn trong lời khai, làm rõ nguồn gốc các đồ vật, phương tiện của 8 người nước ngoài, gồm: 30 chiếc điện thoại di động, trang phục thủy thủ có nhãn hiệu Orkim, chiếc xuồng 8 người sử dụng cập đảo Thổ Chu...
Với nghiệp vụ đấu tranh cùng với những chứng cứ không thể chối cãi, Cảnh sát biển Việt Nam đã buộc các đối tượng phải cúi đầu thú nhận toàn bộ hành vi cướp tàu Orkim Harmony, từ khâu lên kế hoạch, mai phục tìm, tiếp cận và khống chế “con mồi” đến khâu tẩu tán tang vật, trốn chạy, tẩu thoát khi bị phát hiện truy bắt.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tiếp tục làm rõ.
Theo Tuổi Trẻ