Diễn biến mới ở Kazakhstan: 4.266 người, trong đó có 100 người nước ngoài, đã bị bắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình Kazakhstan tiếp tục có những diễn biến quan trọng: lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO đã tiến vào án ngữ các vị trí trọng yếu ở thủ đô; cựu Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ANQG bị bắt vì tội phản quốc.
Cảnh sát bắt giữ những người tham gia vụ bạo loạn ở Almaty (Ảnh: AP).
Cảnh sát bắt giữ những người tham gia vụ bạo loạn ở Almaty (Ảnh: AP).

Ngày 8/1 theo giờ địa phương, ông Karim Massimov, cựu Thủ tướng và cựu chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan, đã bị bắt vì tình nghi phạm tội phản quốc. Hãng tin Nga RIA Novosti cho biết nếu bị kết tội, Massimov sẽ phải đối mặt với án tù từ 10 đến 15 năm.

Cùng lúc, một số người khác chưa được công bố danh tính cũng đã bị bắt với tội danh phản quốc.

Trước đó, ngày 6/1, Tổng thống Kazakhstan Tokayev đã ký sắc lệnh cách chức Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia của Massimov và thay thế bằng Cục trưởng An ninh Quốc gia Sakimbayev. Được biết, cuộc điều tra về Massimov cũng được bắt đầu ngày 6/1.

Cựu Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Karrim Massimov (Ảnh: Đông Phương).

Cựu Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Karrim Massimov (Ảnh: Đông Phương).

Ông Karim Massimov là một Chính trị gia kì cựu, giữ chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia từ năm 2017 cho đến khi bị cách chức hôm 6/1 giữa lúc bạo động bùng phát tại Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan khiến mấy chục người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương. Massimov cũng từng hai lần giữ chức Thủ tướng Kazakhstan trong các thời gian từ 2007-2012 và 2014-2016.

Ngày 7/1, Erdisbayev, cựu cố vấn của Tổng thống đầu tiên của Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, nói rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan là sự phản bội của các quan chức cấp cao và nhân viên an ninh. Đây là một cuộc đảo chính và một cuộc bạo loạn vũ trang bất thành, sẽ không thể xảy ra nếu không có sự phản bội của các quan chức chính phủ hàng đầu, đặc biệt là quan chức cơ quan an ninh.

Quân đội chốt giữ các trị trí trọng yếu ở thủ đô (Ảnh: AP).

Quân đội chốt giữ các trị trí trọng yếu ở thủ đô (Ảnh: AP).

Trang tin Hồng Kông Đông Phương chiều 8/1 đưa tin, Hội đồng An ninh Quốc gia Kazakhstan hôm thứ Bảy (8/1) đã xác nhận, cựu Chủ tịch Hội đồng Karim Massimov đã bị bắt vì tình nghi phản quốc và hiện đã bị đưa vào trại tạm giam. Cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã kêu gọi nhân dân hãy đoàn kết cùng Tổng thống Tokayev vượt qua khủng hoảng và chung tay cứu nước.

Tin cho biết, Hội đồng An ninh Quốc gia Kazakhstan đã mở cuộc điều tra về Massimov theo Chương 1, Mục 175 của Bộ luật Hình sự.

Theo truyền thông Nga, Kazakhstan đã triển khai chiến dịch chống khủng bố trên quy mô toàn quốc, súng tiếp tục nổ tại thành phố lớn nhất Almaty vào thứ Bảy (8/1). Bộ Nội vụ Kazakhstan thông báo, tính đến ngày 8/1 đã có 4.266 người bị bắt trong các vụ đụng độ. Đáng lưu ý, trong số những kẻ bị bắt giữ có hơn 100 người là công dân của “các nước láng giềng” chưa được nêu tên bị bắt tại một ngôi làng ở Almaty. Có thông tin nói những công dân nước ngoài bị bắt này đã nhận tiền để tham gia vào cuộc bạo động, hiện cơ quan an ninh Kazakhstan đang điều tra về danh tính cũng như tổ chức của họ.

Máy bay vận tải Nga không vận lực lượng gìn giữ hòa bình tới thủ đô Nur-Sultan (Video: CCTV).

Thông tin cho biết, người dân Almaty đã giúp cảnh sát phát hiện những đám người đáng ngờ. Một số kẻ bạo loạn ẩn náu trong các quảng trường nhỏ hoặc công viên. Màn sương mù dày đặc cũng ảnh hưởng đến hành động truy lùng của cảnh sát. Các tin tức cho biết, phần lớn những người bị bắt đều ở Almaty, họ có nguy cơ phải ngồi tù chung thân. Một số quan chức thực thi pháp luật tiết lộ, một số kẻ bạo loạn đã mặc đồng phục của lực lượng an ninh để khiêu khích, gây hiểu lầm cho người dân và phá hoại hình ảnh của lực lượng an ninh.

Công ty Đường sắt Quốc gia Kazakhstan (KTZ) thông báo rằng hoạt động của các đoàn tàu hỏa bị gián đoạn do các cuộc biểu tình bạo loạn đã khôi phục hoạt động bình thường. KTZ đã thiết lập một nền tảng kỹ thuật số không cần kết nối internet để hành khách mua vé. Trong thời gian xảy ra bạo loạn, mạng internet ở Kazakhstan đã bị gián đoạn nhiều lần.

Liên quan đến tình hình Kazakhstan, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cho phép các nhân viên không thiết yếu tại Tổng lãnh sự quán ở Almaty và gia đình của họ được phép rời đi. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã nhắc nhở công dân ở Kazakhstan rằng các cuộc biểu tình bạo lực có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp dịch vụ lãnh sự của đại sứ quán, bao gồm cả việc hỗ trợ công dân xuất cảnh khỏi Kazakhstan.

Thượng tướng Nga Andrey Serdyukov, Tổng chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO tại Kazakhstan (Ảnh: Wiki).

Thượng tướng Nga Andrey Serdyukov, Tổng chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO tại Kazakhstan (Ảnh: Wiki).

Tình hình nhiều nơi ở Kazakhstan đã tạm thời bình yên trở lại, lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do quân đội Nga dẫn đầu đã tiếp tục tiến vào đóng quân để hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật Kazakhstan duy trì trật tự. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Konashenkov ngày 7/1 cho biết, Thượng tướng Andrey Serdyukov, Tư lệnh Lực lượng Đổ bộ đường không của Quân đội Nga là tổng chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO tại Kazakhstan.

Ông Konashenkov cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga bao gồm 3 đơn vị thuộc Binh chủng Đổ bộ đường không, tất cả đều có kinh nghiệm chiến đấu. Hiện tại, an ninh của Tổng lãnh sự quán Nga tại Almaty và các văn phòng quan trọng khác ở Kazakhstan được đảm bảo.

Để vận chuyển binh lính và các thiết bị hỗ trợ gìn giữ hòa bình suốt ngày đêm, Bộ Quốc phòng Nga đã điều hơn 70 máy bay vận tải Il-76 và 5 máy bay vận tải An-124 để lập cầu hàng không, 9 chiếc Il-76 đã hạ cánh xuống sân bay Almaty hôm 7/1. Lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ thực hiện các nhiệm vụ được chỉ định sau khi tìm hiểu tình hình. Lực lượng gìn giữ hòa bình người Belarus cũng đã thực hiện nhiệm vụ canh gác các cơ sở quân sự của Kazakhstan.

Tổng thống Kazakhstan Tokayev ngày 8/1 cho biết, sau khi có thêm lực lượng gìn giữ hòa bình tới thay thế nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Nur-Sultan, nhiều lực lượng cảnh sát sẽ được điều động đến Almaty để tham gia các hoạt động chống khủng bố. Ông Tokayev đã ký sắc lệnh tuyên bố lấy ngày thứ Hai (10/1) làm ngày quốc tang tưởng nhớ các nạn nhân của vụ bạo loạn.

Hội đồng Cơ quan chống khủng bố khu vực thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 8/1 đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại nghiêm túc về tình hình ở Kazakhstan và hoàn toàn ủng hộ các biện pháp tổng hợp mà lãnh đạo Kazakhstan thực hiện nhằm đảm bảo an ninh công cộng và duy trì trật tự hiến pháp; đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình của các binh sĩ và nhân viên thực thi pháp luật thiệt mạng khi thi hành công vụ. Tuyên bố cũng nêu rõ SCO sẵn sàng hỗ trợ cần thiết theo yêu cầu thích hợp của các cơ quan liên quan của Kazakhstan.