Diễn biến “lạ” của lãi suất huy động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo ghi nhận của SSI, lãi suất huy động có diễn biến trái chiều ở nhiều NHTM, một phần do áp lực của Thông tư 08/2020 về kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Lãi suất huy động tăng nhẹ ở một số ngân hàng nhỏ
Lãi suất huy động tăng nhẹ ở một số ngân hàng nhỏ

Cụ thể, trong tuần từ 13/9 – 17/9/2021, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ, khoảng 2 điểm cơ bản, kết tuần ở mức 0,68% cho kỳ hạn qua đêm và 0,8% cho kỳ hạn 1 tuần. Trong khi đó, không có hoạt động bơm/hút ròng mới nào được NHNN thực hiện trong tuần qua trên các kênh tín phiếu và OMO của thị trường mở. Diễn biến này cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dồi dào.

Lưu ý rằng, theo số liệu từ NHNN, đến ngày 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỉ đồng, tăng trưởng ở mức 7,42% - cao hơn nhiều so với mức 4,8% của cùng kỳ năm trước. Với mức tăng trưởng tín dụng này, dù thanh khoản hệ thống khá dồi dào, lãi suất liên ngân hàng khó có thể quay trở về mức thấp như năm 2020.

Trong tuần cuối của quý 3/2021, lãi suất liên ngân hàng được dự báo sẽ có nhiều biến động khó lường hơn, khi áp lực lên thành khoản hệ thống tăng dần.

Trích dẫn số liệu từ Bloomberg và NHNN, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) nhận thấy lãi suất huy động có diễn biến trái chiều ở nhiều ngân hàng trong tuần vừa qua.

Cụ thể, lãi suất được điều chỉnh giảm khoảng 10 – 30 điểm cơ bản ở các ngân hàng thương mại lớn như BIDV, TCB, Sacombank. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ như Baovietbank, PGBank điều chỉnh tăng.

Theo SSI, diễn biến này một phần là do áp lực của Thông tư 08/2020, có hiệu lực từ ngày 1/10/2021, kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

SSI cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất cho vay. Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy trong tháng 7, tổng tiền gửi giảm 0,2% so với tháng trước, chủ yếu đến từ mức giảm 0,5% của tiền gửi từ tổ chức kinh tế.

Tăng trưởng tiền gửi hầu như đi ngang trong suốt 3 tháng qua, khi dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp và khiến nhu cầu tiền mặt tăng.

“Mặc dù chênh lệch tiền gửi – tín dụng tiếp tục thu hẹp kể từ tháng 11/2020, mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực và chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm lãi suất huy động vẫn tiếp tục đi ngang, thậm chí có thể giảm trong trường hợp NHNN cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch”, báo cáo nêu./.