Điểm danh những tỉnh “sa lầy” trong nợ khi làm nông thôn mới

Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… là những tỉnh trong số những địa phương đứng đầu về nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, hình thức huy động vốn BT (để làm đường, nhà văn hoá…) được chỉ rõ đã vượt quá khả năng bố trí vốn, lỏng lẻo, gây thất thoát, lãng phí…
Trụ sở các cơ quan chính quyền xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) được cho là quá quy mô, lãng phí trong khi có nhiều việc khác cấp thiết hơn cần đầu tư.

Đây là một vấn đề nổi lên mà nhiều cơ quan Trung ương đã thống kê, cảnh báo thời gian qua.

Theo Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong số 2.600 xã nợ đọng xây dựng cơ bản có tới hơn 700 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Các địa phương có số nợ cao gồm: Bắc Ninh (hơn 613 tỷ đồng), Thanh Hóa, Nghệ An (mỗi tỉnh hơn 500 tỷ đồng), Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Bình (mỗi tỉnh hơn 200 tỷ đồng).

Để khắc phục bệnh thành tích, xử lý tốt nợ đọng trong xây dựng nông tôn mới, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm khắc nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, phát sinh nợ xây dựng cơ bản không đúng quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ban chỉ đạo và cơ quan thường trực các cấp về phân bổ và sử dụng nguồn lực được giao. Có như vậy mới góp phần tránh thất thoát tiền vốn của Nhà nước và người dân, từ đó khắc phục được tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới đang diễn ra phổ biến tại một số địa phương như hiện nay.

Trong báo cáo mới đây về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nêu lo ngại vì tình hình đang nợ đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây, khi các địa phương vào “cuộc đua” để được công nhận nông thôn mới.

Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ lớn (tính đến hết 2014, số nợ đọng xây dựng cơ bản của cả nước lên tới gần 87.000 tỷ đồng, trong khi nửa năm trước đó, số nợ mới chỉ là 43.000 tỷ đồng) được UB Tài chính – Ngân sách chỉ ra là việc phê duyệt dự án ở nhiều nơi trong khi chưa cân đối được nguồn vốn số lượng dự án khởi công mới. Nhiều dự án không nằm trong quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển của địa phương vẫn được quyết định đầu tư, nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn ứng trước lớn…

Ngoài ra, cơ quan này cũng nhìn nhận, việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách cho các dự án đầu tư bộc lộ nhiều tiềm ẩn rủi ro trong tương lai. Quy mô một số dự án BT qúa lớn, vượt quá khả năng bố trí vốn, kiểm soát chi phí và chất lượng công trình còn thiếu chặt chẽ…

Thực tế, hình thức đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao) được nhiều tỉnh thành áp dụng theo hướng đồng ý đổi đất để doanh nghiệp đầu tư cho địa phương công trình, dự án cụ thể.

700 tỷ đồng cho “cuộc đua”… xã nông thôn mới

Lân cận Hà Nội, việc xảy ra tại 2 xã Tam Sơn và Hương Mạc của thị xã Từ Sơn (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đang khiến người dân hoang mang. 2 xã này “ôm” khoản nợ 700 tỷ đồng với một doanh nghiệp để xây mới, sửa chữa một số công trình theo tiêu chuẩn làm nông thôn mới, góp thêm vào tình trạng sa lầy nợ của Bắc Ninh.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh này, thời gian qua, các địa phương, ban ngành của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Theo đó, năm 2014 mới chỉ có có 7 xã đạt chuẩn thì năm 2015 đã có 28 xã được công nhận nông thôn mới. Và để có được kết quả này, cần đến hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước cũng như đóng góp của người dân đổ vào và Bắc Ninh cũng trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về số tiền nợ (hơn 613 tỷ đồng0.

Bước sang năm 2016, dù nợ đã nhiều như vậy, nhưng để phấn đấu đưa 25 xã, đặc biệt là 3 đơn vị cấp huyện là TX Từ Sơn, huyện Tiên Du và TP Bắc Ninh đạt chuẩn nông thôn mới, tổng số vốn địa phương này tiếp tục huy động khoảng 1.220 tỷ đồng để thực hiện. Trong đó, ngân sách Trung ương chiếm 1,01% (12,380 tỷ đồng); ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) khoảng 896 tỷ đồng; vốn tín dụng khoảng 305 tỷ đồng; vốn cộng đồng dân cư khoảng 5,9 tỷ đồng và vốn khác chiếm 1.050 triệu đồng.

Không thể phủ nhận việc triển khai thực hiện nông thôn mới đã làm đổi thay bộ mặt nhiều làng quê Kinh Bắc. Tuy nhiên vấn đề đặt ra, dù là tỉnh có số thu ngân sách lớn và thực tế nhiều địa phương cơ bản vốn rất khá giả, nhưng tại sao Bắc Ninh lại dẫn đầu cả nước về số nợ lớn như vậy?

Phân tích từ dự án trên địa bàn 2 xã Hương Mạc và Tam Sơn của thị xã Từ Sơn (được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Nhường ký Quyết định số 1695 tháng 12 năm 2015 phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, kết cấu hạ tầng giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước trên địa bàn 2 xã này).

Theo đó, thông qua hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT), tỉnh đồng ý cho Cty Cổ phần xây dựng thương mại Cao Đức (đại diện liên danh Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Cao Đức và Cty TNHH Cao Nguyên) đầu tư xây mới, cải tạo một số công trình tại hai xã này như nhà văn hóa thôn, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, hội trường… với tổng mức đầu tư dự kiến 701 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư. Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác giá trị quyền sử dụng đất các khu đất trên địa bàn hai xã này.

Số tiền hơn 700 tỷ đồng được cho là “vung tay quá trán”, lãng phí vì trong năm 2015, xã Hương Mạc đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mơi, còn Tam Sơn chỉ còn 3,3km đường trục thôn đã được rải cấp phối cần bê tông hoá và 5,7km đường chính nội đồng lầy lội vào mùa mưa dự kiến sẽ được xử lý trong năm nay để đưa thị xã Từ Sơn hoàn thành nông thôn mới. Cái giá của “khoản vay” 700 tỷ đồng, theo đó, được xem là rất đắt.

Trao đổi về hiện tượng chạy đua làm nhà văn hoá, hội trường, làm đường… để được công nhận nông thôn mới, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội) cho rằng, mục tiêu cao nhất của việc xây dựng nông thôn mới là phải thúc đẩy được sản xuất, tăng việc làm, nâng cao được thu nhập của người dân địa phương chứ không phải là những công trình phúc lợi như vậy.

“Chúng tôi đi giám sát thì thấy ở rất nhiều xã, nợ xây dựng cơ bản đã vượt khả năng thanh toán” – ông Hùng nhận định, những ví dụ như Hương Mạc, Tam Sơn rất nhiều và đó chính là biểu hiện chạy theo thành tích.

Theo Dân trí

Theo Dân trí