Sẽ cấp phép 4G cho Vietnamobile
Ngày 7/11/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với bà Amy Lung, Giám đốc Tập đoàn Hutchison Asia Group. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Việt Nam có nhiều chính sách phù hợp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Bà Amy Lung cho biết, trong thời gian qua, nhà mạng Vietnamobile đã chuẩn bị hạ tầng, mạng lưới cho việc cung cấp dịch vụ 4G nếu được cấp phép. Bên cạnh đó, Vietnamobile tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án 3G, nghiêm túc đầu tư vào hệ thống cửa hàng, đại lý ủy quyền nhờ chuỗi cung ứng của FPT và làm việc với Tổng công ty Bưu điện để về hợp tác hệ thống cửa hàng từ nay đến quý I năm 2018 – Bà Amy Lung cho biết.
Liên quan đến vấn đề cấp phép 4G, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ sẽ tạo điều kiện cho Tập đoàn Hutchison mở rộng đầu tư hệ thống tại Việt Nam theo đúng cam kết, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ phát triển. Bộ sẽ tạo điều kiện cho Vietnammobile sớm được cấp phép 4G trong thời gian tới. (ICT News 7/11/2017)
Cập nhật kiến thức và cách thức quản lý đối với lĩnh vực Fintech
Vừa qua, Ban Chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với Trung tâm Tài chính, Công nghệ và Khởi nghiệp (CFTE) có trụ sở tại Luân Đôn, Vương Quốc Anh tổ chức Hội nghị tập huấn về Fintech cho cán bộ NHNN, các thành viên và tổ giúp việc Fintech, các cơ sở đào tạo trong ngành ngân hàng.
Phát biểu khai mạc, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Phó trưởng Ban chỉ đạo Fintech cho biết, lĩnh vực Fintech dù còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Công nghệ mới này với nhiều công năng và tình huống ứng dụng đa dạng đem đến trải nghiệm mới, đầy hứng thú cho người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng - tài chính.
Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Huy Triệu - chuyên gia hàng đầu thế giới về Fintech của CFTE đã giới thiệu những nét khái quát về Fintech và xu hướng phát triển của Fintech trên thế giới; giới thiệu về một số công nghệ hiện đại, có tầm ảnh hưởng sâu rộng hiện đang được các công ty Fintech trên thế giới áp dụng vào lĩnh vực ngân hàng - tài chính như: công nghệ chuỗi khối Blockchain, giao diện lập trình ứng dụng-API, trí thông minh nhân tạo (AI)...
Ông Nguyễn Huy Triệu đã giới thiệu và giải đáp nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu về kinh nghiệm hoạch định chính sách và cách ứng xử hợp lý đối với Fintech; những chiến lược, cách thức khác nhau trong việc xây dựng, ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) cho hoạt động của các công ty Fintech; cách thức tiếp cận, trao đổi và làm việc với các công ty khởi nghiệp startup, công ty công nghệ trong thời đại mới. (Thời báo Ngân hàng 7/11/2017)
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện dẫn đầu nhóm hàng 10 tỷ USD
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) mặt hàng điện thoại và kinh kiện đạt 36,5 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 8,18 tỷ USD.
Xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu trong 4 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam là dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giầy dép; máy móc thiết bị, phụ tùng khác.
Chỉ riêng trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện đã ước đạt 5 tỷ USD, tăng đến 76,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là một trong những tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của mặt hàng này từ trước đến nay của Việt Nam. Điện thoại và linh kiện cũng là nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao nhất của tháng 10 qua, vượt hơn gấp đôi nhóm hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 là điện tử, máy tính và linh kiện (đạt 2,43 tỷ USD) hay nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn kế tiếp là dệt may (đạt 2,3 tỷ USD). (Công Thương 7/11/2017)
Viettel là công ty nộp thuế lớn nhất Việt Nam
Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vừa công bố danh sách 1.000 công ty nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Theo danh sách này, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đứng đầu trong danh sách nộp thuế lớn nhất.
Tiếp theo là Công ty Honda Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong nhiều năm trở lại đây, Viettel luôn đứng ở những vị trí cao nhất trong danh sách nộp thuế nhiều nhất Việt Nam của Tổng cục Thuế.
Việc đóng thuế nhiều nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng năm 2017, cũng trùng khớp với kết quả kinh doanh của Viettel năm 2016. Theo đó, năm 2016, Viettel đạt lợi nhuận trước thuế gần 40.000 tỷ đồng, đứng số 1 trong các doanh nghiệp của Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2017, Viettel cũng đạt lợi nhuận gần 22.000 tỷ đồng, và là doanh nghiệp trong nước duy nhất có mức lợi nhuận gần 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017. (Công Thương 7/11/2017)
Nền tảng thương mại điện tử Airlala của Việt Nam giành giải thưởng đặc biệt của APEC
Nền tảng thương mại điện tử Airlala vừa được trao Giải thưởng Thịnh vượng Kỹ thuật số APEC. Đây là một sản phẩm do các nhà phát triển phần mềm Việt Nam xây dựng nhằm giúp các thợ thủ công tìm kiếm đối tác và đầu ra cho sản phẩm ở các thị trường trên khắp thế giới.
Thông tin này đã được công bố tại Hội nghị Tổng kết Quan chức Cấp cao APEC (CSOM) 2017 ở Đà Nẵng ngày 7/11.
Giải thưởng Thịnh vượng Kỹ thuật số APEC là một giải thưởng đặc biệt cho một sản phẩm kỹ thuật số mới, có sự sáng tạo nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng và tăng trưởng bao trùm giữa các nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ủy ban Bình chọn Giải thưởng Thịnh vượng Kỹ thuật số APEC bao gồm Quỹ châu Á, Ban Thư ký APEC, Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Google.
Airlala đã được lựa chọn từ 11 sản phẩm tham gia Cuộc thi Phát triển ứng dụng APEC 2017 (2017 APEC App Challenge) được tổ chức hồi tháng 5/2017 bên lề Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC ở Hà Nội.
Ông Hải Nguyễn, sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành Airlala, nói: “Chúng tôi rất tự hào khi được nhận giải thưởng này. Giải thưởng đã hỗ trợ rất lớn cho sứ mệnh của chúng tôi là hỗ trợ những người thợ thủ công địa phương và các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực APEC”. (Tin Tức 7/11/2017)
Quan trọng nhất với startup là vốn và thị trường
Một trong những khó khăn ban đầu của các startup khi mới khởi nghiệp là chưa biết cách gọi vốn, mở rộng thị trường, theo đuổi ý tưởng…
Đó là nội dung của buổi giao lưu “Nghệ thuật gọi vốn và mở rộng thị trường” nằm trong khuôn khổ chương trình "UberEXCHANGE- Khởi nghiệp thông minh" do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp phối hợp với Uber tổ chức ngày 7/11, tại Hà Nội.
Tại buổi giao lưu, ông Brooks Entwistle, Tổng Giám đốc Kinh doanh Uber châu Á - Thái Bình Dương và các startup Việt đã giao lưu, chia sẻ nhiều bài học hữu ích về kinh doanh mở rộng thị trường và nghệ thuật gọi vốn khi bắt đầu khởi nghiệp. Nhiều thắc mắc của các startup về kinh nghiệm thành công, dẫn dắt doanh nghiệp, theo đuổi các ý tưởng cũng đã được đưa ra để trao đổi, thảo luận. (Tin Tức 7/11/2017)
CMC thành lập công ty mới vươn tới thị trường Nhật Bản
Sáng 7/11/2017, Tập đoàn Công nghệ CMC đã chính thức khai trương công ty CMC Japan tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. CMC Japan có sứ mệnh cung cấp kỹ sư phần mềm chất lượng cao, mang đến những giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin toàn diện và hàng đầu theo tiêu chuẩn thế giới cho các khách hàng tại Nhật Bản.
Với giá trị cốt lõi “Chuyên nghiệp – Sáng tạo – Đồng đội”, CMC Japan xây dựng bộ máy quản lý và nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế.
CMC sẽ tập trung phát triển lực lượng kỹ sư chuyên sâu công nghệ và có năng lực tiếng Nhật tốt; chuẩn hóa quy trình cung cấp dịch vụ và phát triển phần mềm theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Dự kiến đến năm 2020, CMC sẽ có 1000 nhân viên làm việc cho thị trường Nhật Bản. (ICT News 7/11/2017)
Cáp quang biển quốc tế AAG lại gặp sự cố
Theo tin từ các nhà cung cấp dịch vụ trong nước, khoảng 9h15 phút ngày 7-11, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia - America Gateway) lại gặp sự cố trên cáp nhánh từ TPHCM đi quốc tế. Hiện nguyên nhân của sự cố vẫn chưa được xác định.
Đây là lần thứ 5 trong năm 2017 tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố. Bốn lần trước đó lần lượt xảy ra vào các ngày 8-1, 18-2, 27-8 và gần đây nhất là ngày 12-10.
Như vậy, cùng với AAG vừa xảy ra sự cố, hiện còn một tuyến cáp quang biển quốc tế khác là SMW3 (SEA-ME-WE 3) cũng đang gặp sự cố (từ ngày 10-10) và hiện chưa khắc phục xong. (Hà Nội mới Online 7/11/2017)
TPHCM: Người dân có thể kiểm tra quy hoạch bằng điện thoại thông minh
Thay vì phải lên UBND phường, xã xem quy hoạch thì người dân ở TPHCM đã có thể sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu các thông tin quy hoạch từng thửa đất, căn nhà.
Đây là ứng dụng do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM phát triển nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp khi muốn tra cứu thông tin quy hoạch đất đai.
Ứng dụng sẽ cho phép người dùng định vị thửa đất thông qua chức năng tìm kiếm theo số tờ - số thửa, toạ độ góc ranh hoặc định vị GPS và truy xuất thông tin quy hoạch của khu đất được định vị. (Đại Đoàn Kết 8/11/2017)
Hà Nội: Thí điểm sử dụng thẻ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua đã phối hợp cùng Bưu điện TP Hà Nội triển khai thí điểm làm thẻ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người hưởng chế độ BHXH hằng tháng bằng tiền mặt trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Cơ quan BHXH đã phát hành và thực hiện chi trả qua 15.964 thẻ trên tổng số 16.022 người hưởng (đạt tỷ lệ 99,6%). Việc chi trả được thực hiện tại 41 điểm trên địa bàn từ ngày 1 đến ngày 10 hằng tháng. Sau thời gian đó, Bưu điện huyện Thanh Trì tiếp tục chi trả tại trụ sở Bưu điện huyện.
Việc sử dụng thẻ sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính, bởi toàn bộ hình ảnh, thông tin người hưởng nếu được tích hợp, lưu trữ trong thẻ chính xác sẽ hỗ trợ thực hiện hiệu quả công tác quản lý chi trả, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. (Hà Nội mới 7/11/2017)
Nữ tướng "cánh tay phải" của Mark Zuckerberg sắp đến Hà Nội
Là thành viên nằm trong đoàn doanh nhân tháp tùng Tổng thống Mỹ Donald Trump dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg sẽ đến Hà Nội và tham gia buổi talkshow vào ngày 12/11 tới.
Trước khi ra Hà Nội tham gia buổi talkshow, CEO của Facebook sẽ có bài phát biểu tại sự kiện APEC CEO Summit 2017, diễn ra từ 8/11 đến 10/11.
Bà Sheryl Sandberg sinh năm 1969 là người Mỹ gốc Do Thái, sinh ra và lớn lên tại Washington DC. Bà tốt nghiệp đại học Harvard với hai bằng đại học và MBA, từng làm trợ lý cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summer rồi làm Phó chủ tịch Google trong vai trò phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến trước khi đầu quân cho Mark Zuckerberg năm 2008.
Ở Facebook, bà được coi là "the real boss" (bà chủ) của công ty. Tại đây, bà kiêm nhiệm nhiều công việc quản lý từ phòng bán hàng, phát triển kinh doanh, nhân lực, marketing cho tới chính sách xã hội và truyền thông. Năm 2012, Sandberg chính thức trở thành thành viên thứ 8 và là thành viên nữ đầu tiên của ban lãnh đạo Facebook.
Bà là người góp công lớn trong việc đưa Facebook lên vị trí thống trị giới công nghệ cũng như nhanh chóng tìm ra cách khiến mạng xã hội này sinh lợi nhuận khổng lồ thông qua việc bán các "quảng cáo hiển thị không lộ liễu".
Hiện Sheryl Sandberg là người phụ nữ quyền lực thứ tư thế giới, theo xếp hạng của Forbes, với tổng tài sản khoảng 1,6 tỷ USD. (Viettimes 7/11/2017)
Online Friday 2017 sẽ diễn ra vào đầu tháng 12
Sự kiện mua sắm trực tuyến Online Friday 2017 – sự kiện thường niên lớn nhất trong năm dành cho cộng đồng doanh nghiệp TMĐT và người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ chính thức quay trở lại vào ngày thứ 6 đầu tiên của tháng 12 tới.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, trong chương trình Online Friday, người tiêu dùng có thể thoải mái mua sắm và tương tác với các doanh nghiệp thông qua các hoạt động online cũng như tại các sự kiện offline với nhiều khuyến mãi sốc chỉ có tại chương trình.
Điểm mới nổi bật của Online Friday 2017 so với 2016 là BTC Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday tập trung nguồn lực tối đa để xây dựng và phát triển các quy trình đăng ký chặt chẽ, áp dụng các quy chế về báo xấu và xử phạt để đảm bảo các khuyến mãi chất lượng, hấp dẫn đến với người tiêu dùng.
Trong tháng 12, BTC Online Friday đảm bảo sẽ xây dựng một sân chơi minh bạch, tin cậy và bảo vệ quyền lợi cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Đặc biệt, BTC còn đưa ra cơ chế minh bạch về sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ về giá thành và chất lượng của sản phẩm. Cụ thể, cơ chế được BTC đưa ra là các sản phẩm tham gia Online Friday 2017 phải đưa ra đúng giá gốc, sản phẩm có chứng nhận xuất xứ, chính sách đổi trả rõ ràng và quan trọng nhất là phải thực hiện đúng mức khuyến mãi, giảm giá và đăng ký. (Thời báo Tài chính Việt Nam 7/11/2017)
Yêu cầu về địa phương hoá dữ liệu sẽ tổn hại đến chính nền kinh tế và người tiêu dùng Việt Nam
Góp ý cho dự thảo Luật An ninh mạng, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham), cho rằng những yêu cầu về địa phương hóa dữ liệu sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế và người tiêu dùng Việt Nam. Theo ông, dự thảo luật yêu cầu thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng chỉ được lưu giữ bên trong lãnh thổ Việt Nam. Yêu cầu địa phương hóa dữ liệu này sẽ hạn chế khả năng tiếp cận những công nghệ và dịch vụ dựa trên việc truyền tải dữ liệu quốc tế của người dùng, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Việt Nam, ví dụ như dịch vụ đám mây.
Một số doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước cũng đồng tình với ý kiến của ông Adam Sitkoff. Họ cho rằng, ở thời đại kết nối internet, sử dụng điện toán đám mây… mà bắt nhà cung cấp dịch vụ phải đặt máy chủ ở từng địa phương thì không thể tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Bản thân doanh nghiệp sẽ lựa chọn việc đặt trung tâm dữ liệu (Data Center) ở quốc gia nào mà họ thấy có lợi nhất (về chính sách ưu đãi đầu tư, tối ưu hệ thống vận hành…). (TBKTSG 6/11/2017)
Nên tích hợp Luật An ninh mạng với Luật An toàn Thông tin mạng
Dư luận đang có tranh luận về dự thảo Luật An ninh mạng (ANM) do Bộ Công an soạn thảo. Trong dự thảo luật ANM, có những điều kiện đặt ra khiến các “ông lớn” trên môi trường mạng internet có thể sẽ cân nhắc rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, theo công bố của Facebook và được We Are Social tổng hợp, đến tháng 7.2017, số tài khoản Facebook tại Việt Nam đạt 64 triệu, chiếm 3% trên tổng số hai tỷ thành viên trên Facebook, đứng hàng thứ 7 trên thế giới.
Vì thế, ở góc độ kinh doanh Facebook cũng sẽ cân nhắc việc tuân thủ luật ANM nếu dự thảo luật này được áp dụng vào thực tế vì quyền lợi kinh tế của họ.
Thêm nữa, vấn đề đáng quan tâm hơn là có những nội dung dễ trùng lặp, chồng chéo về thẩm quyền quản lý nhà nước của dự luật ANM với các văn bản luật khác đang hiện hành như luật An toàn Thông tin mạng.
TS Mai Anh, đại biểu Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội khi cho rằng nên tích hợp dự thảo luật An ninh mạng vào Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 để trình Quốc hội sửa đổi Luật An toàn thông tin mạng. Đồng thời, đổi tên thành Luật An ninh mạng và an toàn thông tin trong môi trường mạng.
Trong một Chính phủ kiến tạo, các Bộ nên ngồi lại với nhau để có một luật chung, mỗi Bộ chịu trách nhiệm một mảng. Hơn là mỗi người “ôm một miếng”, rút bớt được thủ tục lại “đẻ” ra giấy phép con. (Dân Việt 6/11/2017)
Nhà vật lý Stephen Hawking cảnh báo hiểm họa của trí tuệ nhân tạo
Công nghệ có thể chữa lành một số "vết thương" do công nghiệp hóa gây ra với Trái đất, chữa lành nhiều căn bệnh và đẩy lui nghèo đói nhưng trí tuệ nhân tạo thì cần phải được kiểm soát.
Đây là nhận định mới do nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking đưa ra trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo dần chiếm lĩnh thế tiên phong trong phát triển công nghệ hiện đại. Trên thực tế, trí tuệ nhân tạo và các loại robot thay thế sức lao động của con người đã đe dọa hàng triệu việc làm dù cuộc cách mạng này được cho là giúp ích cho xã hội và sự thịnh vượng chung, trong đó có góp phần xóa bỏ nghèo đói và bệnh tật.
Ông cũng cho rằng thời kỳ của trí tuệ nhân tạo có thể sẽ là thời kỳ tốt đẹp nhất nhưng cũng có thể là tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Loài người cần chuẩn bị cho tương lai, không chỉ dừng lại ở các buổi thảo luận lý thuyết về định hình tương lai phát triển trí tuệ nhân tạo mà cần có những hành động cụ thể để đảm bảo chúng ta có kế hoạch cho tương lai này. (Vietnam Plus 7/11/2017)
Đâu là trở ngại cho sự phát triển thanh toán di động tại Việt Nam?
Theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều hiểu biết về các phương thức thanh toán mới và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt. Phần lớn dân số Việt Nam ở nông thôn, số lượng người không có tài khoản tại ngân hàng còn rất lớn và chưa được tiếp cận nhiều với các công nghệ thanh toán. Việc đẩy nhanh thay đổi thói quen thanh toán cần đến chiến lược và sự phối hợp của nhiều bên như cơ quan nhà nước, các định chế tài chính, các công ty Fintech… với trọng tâm là khách hàng.
Thực tế cho thấy, các giải pháp thanh toán di động tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ về số lượng, như: mPos, QR Pay, dịch vụ mobile banking, ví điện tử, các ứng dụng thanh toán không chạm như Samsung Pay…Tuy nhiên, các giải pháp nói trên phần lớn mới xuất hiện trên thị trường và chưa có cái tên nào phổ biến. (Diễn đàn Doanh nghiệp 8/11/2017)
Năng suất lao động ngành dệt may phải tăng bằng công nghệ
Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, với xu thế IOT, các khâu trong quá trình sản xuất, lưu thông được kết nối với nhau nên chi phí quản lý, thiết kế cũng được giảm đi đáng kể. Như vậy, lợi thế về nhân công giá thấp sẽ không còn, dẫn đến nguy cơ sản xuất hàng dệt-may sẽ dịch chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển.
Ngành dệt may đặt quyết tâm tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, sẽ đi con đường nào, và bằng phương thức nào? Trước hết, để có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh, thì năng suất lao động phải tăng. Nhưng chúng ta không chọn tăng năng suất bằng tay nghề lao động, mà phải bằng công nghệ. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải đầu tư tiếp cận công nghệ hàng đầu của thế giới, giảm lượng lao động trên một sản phẩm.
Trong thời điểm này, việc chuyển đổi công nghệ hiện đại theo lộ trình là phương thức đúng đắn để chúng ta giữ được đơn hàng và việc làm đủ cho người lao động, không phải giảm bớt nhân công. Trong cả ba lĩnh vực: Sợi - dệt - may chúng ta đều phải tiết giảm chi phí lao động trên một đơn vị sản phẩm để đảm bảo sự tồn tại và phát triển trong khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. (Lao Động Online 7/11/2017)
Trải nghiệm tự thân tốt hơn là trải nghiệm qua mạng xã hội
Theo nữ nhà văn Phong Điệp, nếu là người thường xuyên sử dụng facebook, hẳn bạn cũng sẽ đồng ý với tôi rằng mỗi phút lại có vô số status, comment được chia sẻ. Không ít người thay vì đọc báo thì họ đọc mạng xã hội bởi trên đó, các vấn đề, các thông tin cực kỳ nhanh chóng. Rõ ràng, dù muốn hay không, nhu cầu thông tin nhanh, sự tương tác kịp thời là một nhu cầu có tính đại chúng. Độc giả mong muốn bàn luận trực diện về một vấn đề cụ thể nào đó trong khi các tác phẩm hư cấu như tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ không khiến họ thấy thỏa mãn. Tản văn thì đáp ứng được nhu cầu đó. Song không nên nhìn nhận nó là một thể loại thời thượng. Nó đã hiện diện từ khá lâu trong lịch sử phát triển văn học. Song đến thời điểm hiện nay, khi nhu cầu của độc giả và ưu thế của tản văn có những điểm tương đồng đã giúp cho tản văn có môi trường tốt để phát triển mạnh mẽ.
Công việc của nhà văn là sáng tạo, và tác phẩm là thành quả của quá trình sáng tạo ấy. Nếu không có tác phẩm, tốt nhất là hãy chọn công việc khác để làm. Những note viết ngắn trên mạng xã hội không phải vô cớ chỉ được gọi là “dòng trạng thái” (status). Facebook vô cùng tinh tế khi đặt câu hỏi cho những status đó là “Bạn đang nghĩ gì”. Chỉ viết ra những gì mình đang nghĩ, dù có cả ngàn like thì đó vẫn chưa thể coi đó là sáng tạo.
Nhưng hiện nay một số người đang có phần ảo tưởng. Họ sản xuất hàng chục cái gọi là thơ mỗi ngày và đăng lên facebook, được bạn bè xúm vào cổ vũ, khen ngợi như thể là tuyệt tác nên đã vội ảo tưởng về tài năng của mình. Họ kể chuyện mình ăn ở đâu, chơi ở đâu, dù có ly kỳ hay thú vị thế nào cũng không thể coi đó là sáng tạo. (Cảnh sát Toàn cầu 6/11/2017)