|
BIDV ghi nhận những kết quả tăng trưởng nhanh chong trong hoạt động thanh toán (Nguồn: BIDV) |
Gần đây, trong buổi gặp gỡ giữa đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại diện Tập đoàn Tài chính Hana (Hana Financial Group Inc), hai bên đã cùng trao đổi và thảo luận một số ý tưởng hợp tác liên quan đến dịch vụ thanh toán ngân hàng ứng dụng công nghệ. Một lĩnh vực mà Tập đoàn Tài chính Hana có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh.
Bên cạnh đó, một thành viên khác của Tập đoàn này là ngân hàng KEB Hana Bank cũng đang thu hút được sự chú ý của giới đầu tư. Được biết, KEB Hana Bank đang là nhà đầu tư chiến lược dự kiến sẽ sở hữu tới 15% vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã CK: BID) sau đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Không chỉ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, BIDV cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán ngân hàng.
Cụ thể, dịch vụ thanh toán là một trong 3 sản phẩm đóng góp chính trong tổng thu dịch vụ của BIDV. Trong giai đoạn 2015 – 2017, tỷ trọng của mảng dịch vụ thanh toán trong tổng thu dịch vụ của BIDV đều chiếm trên 40% tổng thu dịch vụ của ngân hàng này.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, doanh thu từ dịch vụ thanh toán của BIDV đạt 1.918 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong các mảng hoạt động dịch vụ của BIDV (chiếm 45% tổng thu dịch vụ).
Đối với các dịch vụ thanh toán trong nước, BIDV ghi nhận số lượng giao dịch tăng nhanh trong các năm gần đây. Năm 2016, BIDV ghi nhận tốc độ tăng trưởng tới 27,68%, số lượng giao dịch đạt 22,6 triệu. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, lên tới 32,3%, số lượng giao dịch đạt 29,97 triệu.
Và con số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục được phá vỡ, bởi lẽ, trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch được BIDV ghi nhận đã đạt tới 27,02 triệu giao dịch (tăng 27,71% so với 6 tháng 2017).
Đi cùng với tăng trưởng của số lượng giao dịch, doanh số thanh toán của BIDV cũng duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của năm 2016 và năm 2017 so với các năm trước lần lượt là 26,83% và 23,8%. Tính tới ngày 30/9/2018, BIDV ghi nhận giá trị doanh số thanh toán đạt 13.325 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 5% so với 6 tháng 2017).
Được biết, ngoài việc tham gia vào kênh thanh toán do NHNN tổ chức như thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), BIDV còn chủ động gây dựng chương trình kết nối thanh toán song phương/đa phương với 33 đối tác khác là các Ngân hàng thương mại, các định chế tài chính khác. Bên cạnh đó, BIDV cũng tiến hành triển khai các kênh giao dịch phù hợp xu thế hiện đại như Internet/Mobile banking hay Smartbanking.
|
Đáng chú ý, BIDV là ngân hàng chỉ định thanh toán cho thị trường chứng khoán Việt Nam và cũng là ngân hàng quyết toán bù trừ duy nhất cho các giao dịch nội địa thẻ Master tại Việt Nam.
Đối với các dịch vụ thanh toán quốc tế, BIDV cũng là 1 trong 3 ngân hàng có hoạt động tài trợ thương mại lớn nhất tại Việt Nam với đầy đủ các sản phẩm truyền thống, và các sản phảm có ứng dụng công nghệ. Mạng lưới của BIDV bao gồm hơn 1.000 ngân hàng đại lý, giao dịch tài khoản trực tiếp với hơn 50 ngân hàng trên toàn thế giới.
Tốc độ tăng trưởng của hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại là đáng ghi nhận. Năm 2016, doanh số thanh toán xuất nhập khẩu của BIDV đạt 21,62 tỷ USD, tăng 27,05% so với cùng kỳ. Năm 2017, chỉ tiêu này tiếp tục đà tăng trưởng với 19,15%, đạt 25,76 tỷ USD.
Tính tới ngày 30/9/2018, BIDV đã ghi nhận doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt 21,78 tỷ USD, tăng trưởng 19,87% so với cùng kỳ.
Trong năm 2018, BIDV tiếp tục triển khai các dự án lớn nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động các lĩnh vực này như: dự án HUB SW cho các liên doanh BIDV góp vốn; dự án triển khai Swift GPI tại BIDV; dự án kết nối API với Công ty chuyển phát nhanh Western Union./.