Ngày 30/10, BIDV vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc Thông qua Phương án chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Cụ thể, BIDV dự kiến sẽ phát hành thêm 603.302.706 cổ phần (6.033 tỷ đồng theo mệnh giá) cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên mức 40.220 tỷ đồng. Số cổ phần phát hành thêm cho KEB Hana Bank tương ứng với 15% quy mô vốn điều lệ sau phát hành (hay 17,65% vốn điều lệ hiện tại).
Tờ trình của BIDV cũng cho biết thời gian phát hành dự kiến thực hiện trong giai đoạn năm 2018 – 2019, mức giá phát hành chưa được công bố cụ thể.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của mình trong thời gian tối thiểu 5 năm kể từ ngày nhà đầu tư lần đầu tiên trở thành cổ đông của BIDV theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thay đổi cơ cấu sở hữu dự kiến tại BIDV sau khi phát hành thêm cổ phiếu (Nguồn: BIDV)
|
Được biết, KEB Hana Bank là Ngân hàng được Chính phủ Hàn Quốc thành lập vào ngày 30/1/1967, với tên gọi là Ngân hàng ngoại hối Hàn Quốc (Foreign Exchange Bank of Korea). Do phát triển từ bộ phận kinh doanh ngoại hối của Ngân hàng Trung ương (NHTW) Hàn Quốc, nên ban đầu, ngân hàng này chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối và thanh toán quốc tế.
Năm 1968, Ngân hàng ngoại hối Hàn Quốc đổi tên thành Korea Exchange Bank (KEB). Sau đó, tới năm 1989, ngân hàng KEB được tiến hành tư nhân hóa. Đến ngày 1/9/2015, KEB sáp nhập với Hana Bank và có tên gọi là KEB Hana Bank.
Kể từ ngày 31/12/2015, toàn bộ số cổ phần của KEB Hana Bank đã được sở hữu bởi tổ chức tài chính Hana Financial Group Inc.
Kế hoạch sử dụng nguồn vốn từ đợt chào bán của BIDV
Mục đích của đợt phát hành được BIDV cho biết là nhằm tăng cường năng lực về tài chính để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định hiện hành.
Nguồn vốn sẽ được sử dụng trong một số lĩnh vực như: Hoạt động tín dụng; Hoạt động đầu tư; Đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới; Nâng cao chất lượng mạng lưới kinh doanh.
Đối với hoạt động tín dụng, BIDV sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, an toàn, có phương án/dự án kinh doanh khả thi. Ngân hàng này cũng hướng tới việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, SME, doanh nghiệp FDI có tiềm năng.
Đối với hoạt động đầu tư, BIDV tiếp tục đầu tư có hiệu quả trên thị trường liên ngân hàng, giấy tờ có giá, và thực hiện các hoạt động đầu tư khác theo lộ trình đã cam kết.
Ngoài ra, BIDV cũng muốn sử dụng nguồn vốn này để đầu tư vào cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Cùng với đó, ngân hàng này sẽ mở rộng kênh phân phối truyền thống, hiện đại trong khu vực và trên thế giới gắn với phát triển thương hiệu./.