Dịch vụ máy nhắn tin cuối cùng ở Nhật Bản chấm dứt sau 50 năm

Sự kết thúc của kỷ nguyên máy nhắn tin vừa đến tại Nhật Bản, sau khi nhà cung cấp dịch vụ cuối cùng của nước này công bố ngừng dịch vụ từ hôm 3.12, sau năm thập niên phục vụ.
Máy nhắn tin từng "hot" ở Nhật Bản vào thập niên 1990. ẢNH: AFP
Máy nhắn tin từng "hot" ở Nhật Bản vào thập niên 1990. ẢNH: AFP

Hôm 3.12, Tokyo Telemessage, nhà cung ứng dịch vụ máy nhắn tin cuối cùng còn lại, công bố quyết định chấm dứt dịch vụ ở Tokyo và ba vùng lân cận vào tháng 9.2019. Doanh nghiệp cho rằng quyết định này là “rất đáng tiếc”. “Các máy nhắn tin từng là vật phẩm hot, nhưng số lượng người dùng ngày nay đã giảm còn 1.500”, Tokyo Telemessage cho biết, nói thêm rằng hãng đã ngừng sản xuất thiết bị phần cứng cách đây 20 năm.

Máy nhắn tin (pager hoặc beeper) là thiết bị viễn thông không dây nhận và hiển thị tin nhắn thoại hoặc chữ và số. Nó có hai loại là máy nhắn tin một chiều, tức chỉ có thể nhận tin nhắn và máy nhắn tin hai chiều, tức có thể gửi lẫn nhận tin nhắn. Các máy nhắn tin sử dụng máy phát tín hiệu nội bộ để liên lạc với nhau.

Ở Nhật Bản, máy này còn được biết đến với cái tên “pokeberu“ (chuông túi). Nó phổ biến hồi thập niên 1990, đặc biệt với nữ sinh trung học ưu chuộng tính năng nhắn tin văn bản nguyên thủy.

Vào giờ nghỉ, hàng dài nữ sinh sẽ đứng bên ngoài trạm điện thoại công cộng để bấm số. Những con số này sau đó được chuyển thành tin nhắn ngắn gửi đến cho bạn cùng lớp và bạn trai. Tại thời điểm phổ biến nhất vào năm 1996, máy nhắn tin có hơn 10 triệu người dùng, theo số liệu từ chính phủ.

Song điện thoại di động xuất hiện ngay sau đó, nhanh chóng đưa máy nhắn tin thành món đồ công nghệ lỗi mốt. Hãng viễn thông lớn NTT từng giới thiệu máy nhắn tin hồi năm 1968 phải ngừng dịch vụ vào năm 2007.

Du khách đến chơi xứ sở hoa anh đào thường ngạc nhiên trước sự tương phản trong về mặt công nghệ ở đây. Một mặt, Nhật Bản là vùng đất của các món đồ công nghệ cao, mang hơi thở tương lai song mặt khác, đây là vùng đất của các món đồ cũ kỹ đến lạ. Đơn cử, máy fax vẫn còn được sử dụng thường xuyên như phương tiện thông tin liên lạc ở đây.

Khi tên lửa Triều Tiên gần nhất bay qua Nhật Bản, một trong những khoảnh khắc gây ấn tượng trên tivi là cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nghe về vụ việc qua chiếc điện thoại nắp gập của ông. Gần đây hơn, Bộ trưởng phụ trách an ninh mạng Nhật Bản Yoshitaka Sakurada gây chú ý khi thừa nhận rằng ông ủy thác công việc trên máy tính cho người khác. Ông Sakurada có vẻ bối rối với khái niệm USB.

Theo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/cong-nghe/dich-vu-may-nhan-tin-cuoi-cung-o-nhat-ban-cham-dut-sau-50-nam-1029716.html