Dịch vụ công trực tuyến cần trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm

VietTimes – Đi vào vấn đề cụ thể trong triển khai ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến cấp 3, cấp 4 cần được tính toán và được đặt ra như là chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của tất cả các bộ ngành và các cấp chính quyền, bởi vấn đề này có liên quan trực tiếp đến hiệu quả cải cách hành chính.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi “dấn thân hơn nữa”, “mạnh dạn hơn nữa” để Việt Nam thành công trong cuộc cách mạng này. Ảnh: NP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi “dấn thân hơn nữa”, “mạnh dạn hơn nữa” để Việt Nam thành công trong cuộc cách mạng này. Ảnh: NP.

Đó là một trong những vấn đề được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao đổi tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2017 (Vietnam ICT Summit 2017) với chủ đề “Việt Nam – Chuyển đổi số trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, do Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), vừa khai mạc sáng nay (6/9) tại Hà Nội.

Định hướng và động viên các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương và đông đảo đội ngũ CNTT tăng cường tập trung triển khai và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến các mức độ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: “Không cần đặt bài toán gì to lớn cho các anh em làm CNTT, các đồng chí lãnh đạo địa phương chỉ cần đặt ra yêu cầu về số lượng dịch vụ phải làm trực tuyến ở cấp độ 4. Nó sẽ ra rất nhiều hiệu quả không chỉ liên quan đến cải cách bộ máy hành chính, phòng chống tiêu cực mà đặc biệt là nỗ lực tham mưu, điều hành quản lý sẽ được nâng lên nếu chúng ta làm tốt”.

Trước làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang tác động nhiều đến các lĩnh vực kinh tế, đời sống trong nước, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung vào việc tưởng rằng không mới nhưng làm với tâm thế mới, quyết tâm mới: “Chúng ta phải mạnh dạn đi trước trong việc xây dựng hạ tầng mạnh về CNTT. Tôi đề nghị, các doanh nghiệp, các Bộ đều phải có cơ chế rất thiết thực để thúc đẩy những việc này”.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu giải bài toán về băng thông, giá cước sau khi đã phủ sóng 4G, chính sách khuyến khích đưa cáp quang về mọi ngõ ngách như quyết tâm mở chiến dịch đưa điện thoại tới mọi người cách đây vài năm.

Theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng của hạ tầng không chỉ nằm ở phần cứng mà quan trọng hiện nay là chúng ta phải làm một cách rất chuyên nghiệp, từ kiến trúc chung, cho tới các trung tâm dữ liệu. “Và ngay từ các bộ ngành, tới các DN, chúng ta phải tạo được chia sẻ và kết nối dữ liệu, chỉ có như vậy, mọi ứng dụng mới được triển khai thuận lợi, mới có “mỏ” cho mọi DN CNTT hiện nay, các DN CNTT và các start-up tương lai để làm ra sản phẩm mới, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Dịch vụ công trực tuyến cần trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các lãnh đạo bộ ngành tham quan triển lãm bên lề Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ sẽ xây dựng và đề xuất các chính sách để đảm bảo phát triển hạ tầng số; đảm bảo an toàn hệ thống thông tin quốc gia; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực CNTT; cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp. Bộ cũng đề xuất: thông báo công khai các dự án, kế hoạch và nhu cầu ứng dụng CNTT khu vực công nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại khu vực này. Đặc biệt, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đổi mới giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển của CMCN 4.0.

Các diễn giả của Vietnam ICT Summit 2017 đều thống nhất rằng cuộc CMCN 4.0 đang hiện hữu ngày càng rõ nét hơn với những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Ts. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW và lãnh đạo Microsoft Việt Nam cũng có các báo cáo chủ chốt về sự bùng nổ của CMCN 4.0 trên thế giới, những tác động tới Việt Nam và những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam tiếp cận, tiến nhanh, tiến mạnh trong cuộc cách mạng này.

“Trước ngưỡng cửa cuộc CMCN 4.0, các DN cần nắm bắt lợi thế của chuyển đổi số, từ đó có thể nâng cao hiệu suất vận hành doanh nghiệp từ những công cụ vượt trội của điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và IoT”, Ông Phạm Trần Anh, Phó tổng giám đốc  khối khách hàng DN và đối tác chiến lược, Microsoft Việt Nam chia sẻ thêm.