Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao. Nguyên nhân của dịch sởi đang bùng phát chủ yếu do người dân không tiêm vaccine phòng bệnh sởi đầy đủ, bên cạnh đó năm nay cũng là chu kỳ bùng phát bệnh sởi - thường xảy ra sau 4-5 năm.
Bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai cũng gia tăng
|
Vì thế, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh sởi lan rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các địa phương chú trọng các nhiệm vụ: Đảm bảo tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường; triển khai có hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, đặc biệt thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi.
Các địa phương cần tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn; tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lan rộng.
Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo, đồng thời phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp bệnh nặng, để giảm tối đa trường hợp tử vong do mắc sởi vv...
Bộ Y tế cũng chỉ đạo Sở Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh; tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của tiêm vaccine sởi; phối hợp tổ chức tốt việc tiêm vaccine sởi tại các cơ sở giáo dục. "Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học, không để dịch bệnh lây lan"-đại diện Bộ Y tế lưu ý.