|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra, đánh giá khả năng ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona (nCoV) mới gây ra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Bộ Y tế |
Kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát dịch bệnh
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Phó Thủ tướng đánh giá toàn bộ hệ thống labo, phòng thí nghiệm đều vận hành tốt.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam đã có kinh nghiệm trong phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm trước đó cùng đội ngũ, nguồn nhân lực có chuyên môn. Vì thế, chúng ta phải sẵn sàng hơn mức bình thường để phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong dịp Tết nguyên đán.”
Theo Phó Thủ tướng, 2 vấn đề mà người dân quan tâm nhất hiện nay là bệnh viêm phổi do chủng nCoV mới có lây lan ở mức nào, cơ chế lây ra sao và thời gian biểu hiện của bệnh.
|
Phó Thủ tướng kiểm tra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Bộ Y tế
|
Ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết: Tại Trung Quốc đã ghi nhận 541 trường hợp mắc và 17 trường hợp tử vong, trong đó, có 15 cán bộ y tế nhiễm bệnh viêm phổi cấp do chủng nCoV mới. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiểu biện pháp để kiểm soát tình hình dịch bệnh như đóng cửa các khu chợ, không cho công dân di chuyển ở trong và ngoài thành phố Vũ Hán,…
Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc viêm phổi cấp do chủng nCoV mới.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã tăng cường các đoàn thành tra, kiểm tra, giám sát tại cửa khẩu, sân bay, tại cộng đồng lưu ý công dân đến từ vùng có dịch. Tại các cơ sở y tế tăng cường theo dõi, kiểm tra các trường hợp viêm phổi chưa rõ nguyên nhân có tiền sử dịch tễ đi từ vùng có dịch.
|
Phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Bộ Y tế
|
Trước đó, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như: công bố ngăn chặn thành công dịch SARS (2003), phòng, chống cúm H5N1 (2005), phòng dịch cúm H1N1, H7N9 ở Trung Quốc, dịch EBOLA (2014), khống chế bệnh MERS- CoV (2015) mặc dù bệnh lây lan nhanh tại Hàn Quốc.
Cục Y tế Dự phòng đã và đang duy trì thông tin với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) để cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, đảm bảo người dân nắm được tình hình, không hoang mang, lo lắng.
Theo ông Tấn, Bộ Y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát tại cửa khẩu, cộng đồng, bệnh viện để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi do chủng nCoV mới nhằm kịp thời xử lý.
Chủng virus mới gây bệnh viêm phổi cấp lây lan như thế nào?
Theo GS. TS. Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương – bản chất của nCoV vẫn là coronavirus đã từng gây ra SARS-CoV và MERS-CoV. Hiện virus này đang có sự biến chủng khác nhau.
Viêm phổi do nCoV có cơ chế lây lan qua đường hô hấp, trong vòng 2m nếu người xung quanh hít phải giọt bắn của nước bọt hay hắt hơi của người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh, virus xâm nhập vào cơ thể.
|
Một minh họa về coronavirus trên bề mặt da. Ảnh: GETTY IMAGES
|
GS. TS. Nguyễn Văn Kính cho hay: Về bệnh cảnh lâm sàng, bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) tương tự như SARS, bệnh nhân sẽ bị viêm đường hô hấp cấp tính dẫn đến viêm phổi và suy đường thở. Khi 2 phổi tổn thương toàn bộ bệnh nhân sẽ không có khả năng trao đổi oxy, dẫn đến não bị tổn thương, suy đa tạng và bệnh nhân sẽ tử vong. Nếu không được khống chế tỉ lệ tử vong là rất cao.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, virus gây bệnh viêm phổi cấp có nguồn gốc từ động vật nhưng vẫn chưa xác định được chủng của virus này. Hiện, đã có bằng chứng rõ ràng lây từ người sang người.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Vì nCoV là virus biến chủng nên chưa có phác đồ cụ thể, chính xác để điều trị. Do đó nếu có ca bệnh nghi ngờ cần hạn chế tiếp xúc gần và đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời, nhất là trong dịp Tết nguyên đán.
Tại buổi làm việc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã báo cáo 2 trường hợp nghi ngờ mắc viêm phổi cấp do chủng nCoV mới. Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nữ LPT (20 tuổi, P. Phú Lãm, Q. Hà Đông, Hà Nội) là sinh viên đi du học tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Bệnh nhân được chẩn đoán bị sốt (chưa loại trừ nhiễm Coronavirus). Trước đó, bệnh nhân này sống ở khu vực được Chính phủ Trung Quốc thông báo trong vùng an toàn, không tiếp xúc với người có biểu hiện ho, sốt hoặc nghi mắc viêm phổi do nCoV trong vòng 2 tuần trước khi về nước. Bệnh nhân về nước 8 ngày, không tiếp xúc với người bị ốm, sốt. Hiện, bệnh nhân đang được điều trị tại khu cách ly.
Trường hợp thứ 2 là nam bệnh nhân TVH (55 tuổi, Lý Thường Kiệt, H. Yên Mỹ, Hưng Yên) cũng được chẩn đoán bị sốt (chưa loại trừ nhiễm Coronavirus). Bệnh nhân đang được điều trị tại khu cách ly trong tình trạng khó thở, tiếp tục được theo dõi, giám sát. Hiện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 3/6 phòng cách ly áp lực âm (của cả nước); 100 giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận và theo dõi bệnh nhân. Bệnh viện cũng có đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cho địa phương. Để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, bệnh viện đã đề nghị xin thêm 20 máy thở, 4 máy X-quang tại giường; trang phục phòng hộ. Bệnh viện cũng đã gửi công văn cho các sở y tế các tỉnh để chuyển bệnh nhân về cơ sở 2 Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. |