Dịch COVID-19 và chuyện “trong cái khó ló cái khôn” của các doanh nghiệp Việt

VietTimes – Kết thúc giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, Việt Nam giờ tăng tốc phục hồi kinh tế. Khó khăn đương nhiên rất nhiều, song thực tế đang cho thấy, nếu biết nắm lấy những thuận lợi vừa bất ngờ xuất hiện thì trong nhiều lĩnh vực chúng ta vẫn có thể biến “nguy” thành “cơ”.
Nhiều doanh nghiệp đã biết nắm bắt cơ hội sau dịch COVID-19.

Một tín hiệu rất vui và rất lạ là những ngày gần đây trong lĩnh vực công nghiệp nặng mà cụ thể là công nghiệp đóng tàu biển, người lao động làm 3 ca vẫn không hết việc. Cả gần chục năm qua, kể từ đợt khủng hoảng của ngành công nghiệp đóng tàu nước nhà bắt đầu từ việc Tập đoàn Vinashin bị vỡ trận, phải tái cấu trúc nhưng rồi vẫn bết bát đến nỗi cái tên cũng đã biến mất, bây giờ mới lại thấy có thứ hiện tượng đáng mừng này. 

Cũng trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) tại Quảng Ngãi đã có lúc tưởng như việc "đắp chiếu" đã nhãn tiền, thì nay cũng quay lại sản xuất sôi động, thậm chí còn phải tăng ca. 

Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) tại Quảng Ngãi. Ảnh: dqsy.vn

Theo quan sát, không khí làm việc tại DQS sôi động như một đại công trường. Chưa bao giờ họ kiếm được quá nhiều công việc để làm như bây giờ. DQS hiện không còn phụ thuộc vào việc sửa chữa tàu của ngành dầu khí, mà phần lớn khách hàng là tàu nước ngoài.Trong 4 tháng vừa qua, họ đã tiếp nhận sửa chữa số tàu bằng cả 2 năm 2018 và 2019 cộng lại.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) - cho biết: “Chúng tôi đang suy nghĩ đây là một cơ hội cần tận dụng để tham gia được nhiều hơn nữa vào chuỗi cung ứng mới về đóng tàu, sửa chữa tàu biển cho phù hợp với tình hình mới sau dịch COVID-19".

Không chỉ có Dung Quất của miền Trung mà ở miền Bắc, nhà máy đóng tàu Phà Rừng cũng có dấu hiệu tương tự.

Ở lĩnh vực này, có thể thấy có 2 lý do chính khiến đơn hàng tăng. Đó là do dịch COVID-19 nên lượng tàu không sửa ở Trung Quốc đã chuyển đến sửa ở Việt Nam và các nước khác nhiều hơn. Thứ nữa là theo Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra, kể từ 2020 các tàu biển phải sử dụng dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp để giảm lượng khí oxit lưu huỳnh (SOx), nên việc sửa chữa tàu diễn ra nhiều hơn. 

Điều này có thể giúp ngành đóng tàu nước ta có nhiều việc làm hơn trước. Nếu chúng ta biết tận dụng, biết căn cơ giảm giá thành thì đây cũng là cách để có được nhiều hợp đồng hơn, giúp đứng vững ở giai đoạn hậu dịch và giữ mối cho ổn định lâu dài về sau. 

Về xuất khẩu nông sản thực phẩm, những tưởng năm nay, chúng ta sẽ có thêm cửa xuất khẩu vải thiều tươi sang Nhật Bản do vừa ký xong văn bản thỏa thuận vào cuối năm 2019. Thật là vui khi mà đường xuất sang Trung Quốc gặp trục trặc bởi phía họ cũng được mùa thì đây lại là “cơ” đúng lúc đến với ta.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), vải thiều Trung Quốc bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 4, kết thúc vào cuối tháng 8, gần trùng với kỳ thu hoạch vải thiều ở nước ta. Mặt khác, Trung Quốc dịch bệnh chưa thật yên nên sức mua thị trường còn những hạn chế. Chưa kể, nhờ thời tiết thuận lợi nên sản lượng vải thiều Trung Quốc dự báo sẽ tăng ổn định. Những yêu tố này cộng hưởng tác động, khiến xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ chậm và khó khăn.

Nếu như việc xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản êm thuận thì đây sẽ là một hướng "thoát Trung” ngọt ngào, giúp trái vải Việt không còn bị ép giá. Tiếc rằng phía Nhật Bản mới đây vừa có thông báo họ chưa thể nhập sản phẩm này, mà lý do cũng chính vì ảnh hưởng của Covid-19. Họ không có cách nào cử nhân viên kỹ thuật sang ta để kiểm tra máy móc và vận hành thực tế ở các cơ sở khử trùng của nước ta được. Nhật Bản có quy định ngặt nghèo, trái vải tươi Việt Nam buộc phải kiểm dịch COVID-19 gắt gao nếu muốn được xuất sang.

Một thỏa thuận thương mại tốt đẹp, phải đàm phán công phu 5 năm trời mới có được, nay bỗng dưng gặp trục trặc, quả là điều rất đáng tiếc.

Nhận được thông báo này, Bộ Công Thương cũng đang làm hết sức mình thuyết phục bạn tìm giải pháp khắc phục. Cụ thể, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) để thuyết phục phía Nhật Bản xem xét các giải pháp khác thay vì phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng.

Bộ Công Thương đã đề xuất phương án tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện kiểm tra trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ NN&PTNT Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa, kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh còn có công thư gửi Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản.

Trong cái khó thường ló cái khôn. Việc này chưa rõ liệu sẽ có kết quả tốt đến đâu nhưng rõ ràng, còn nước còn tát và các nhà chức trách Việt Nam cũng đang cố gắng hết mình. 

Quả vải thiểu Việt Nam nếu xuất được sang Nhật thời điểm này sẽ mở một lối ra rất sáng cho trái cây Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng đến với thị trường rất khó tính của nền kinh tế thứ ba thế giới. Nó không chỉ là sự giải thoát thuần túy trong lúc thị trường Trung Quốc có khả năng bão hòa, mà còn là cửa rất sáng để trái vải Việt Nam có giá trị thương mại cao hơn.

Hãy quan sát xem thứ trái cây này lâu nay được bán trên kệ hàng ở các siêu thị Nhật bản với mức giá nào, ta sẽ lập tức thấy tầm quan trọng của giải pháp. 

12 quả vải thiều Việt Nam giá tương đương 430.000 đồng tại siêu thị Nhật Bản. Ảnh:Nongnghiep.vn

Vâng, chỉ 12 trái vải tươi của Việt Nam được đóng trong một chiếc hộp khá xinh xắn mà họ bán với giá tương đương 430 nghìn đồng thì đủ hiểu, hoa quả Việt Nam và người trồng hoa quả Việt Nam sẽ sớm hiện thực hóa một triển vọng tươi sáng thế nào, tuy lúc này còn đang rất khó khăn. 

Trong “nguy” thường vẫn có “cơ”. Du lịch Việt Nam, Hàng không Việt Nam nói chung trong đại dịch này có lẽ là ngành thiệt hại lớn nhất, khủng khiếp nhất. Mở cửa bầu trời và mở cửa du lịch quốc tế chắc chắn là điều chúng ta không ai dám đề cập lúc này vì nó quá mạo hiểm và lợi bất cập hại, vì hậu quả “một tiền gà, ba tiền thóc” cũng có thể từ đây mà ra.

Song, nếu chấp nhận giảm giá trong nước, cả khách sạn, hàng không nội địa và dịch vụ đi kèm theo hướng để tồn tại, có việc làm nuôi nhau, chưa vội tích lũy thì có lẽ là hoàn toàn khả thi. Đây có lẽ cũng là một giải pháp nên nghĩ đến sớm.

Năm 2019, ngành du lịch, lữ hành và các dịch vụ phụ trợ đóng góp đến 9% GDP quốc gia, cho thấy tầm quan trọng của nhóm ngành này.

Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) đầu năm nay có công bố danh sách các quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019, trong đó Việt Nam đứng thứ 7 trong 10 quốc gia dẫn đầu. Điều này thật là đáng tự hào, cho thấy sức bật và khả năng phục hồi của ngành du lịch Việt Nam một khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát. 

Số hóa, chính quyền điện tử, trí tuệ nhân tạo,... trở thành phần không thể thiếu trong nhịp sống hiện đại trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Hoặc ngay như lĩnh vực công nghệ thông tin, người ta thường nói nhiều đến số hóa, đến chính quyền điện tử, đến trí tuệ nhân tạo song trong chục năm gần đây cũng có nước tiến nhanh, có nước tiến chậm, có nước bảo thủ không muốn tham gia, thì giờ đây là lúc mọi người bị thực tế thúc đẩy phải suy nghĩ lại, phải xốc lại mình, đề ra cho quốc gia mình, ngành mình, tổ chức mình một quyết tâm mới, cách làm mới, khẩn trương hơn và thực chất hơn.  

Dự thảo Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đệ trình lên Chính phủ cũng đã đề xuất 3 trụ cột của chuyển đổi số, đó là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, khi phát triển Chính phủ số, cơ quan nhà nước sẽ đổi mới toàn diện phương thức quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, hướng tới hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Ngân hàng, tài chính, y tế, giáo dục, v.v., đều có thể tự mình chuyển đổi và dốc sức tìm ra cho mình một hướng đi mới, một cách làm mới trong thời đại công nghiệp 4.0. Lâu nay, có thể nói nhiều nhưng làm ít, thì từ nay sẽ ngược lại, phải nói ít, làm nhiều. 

Rất nhiều khó khăn do đại dịch toàn cầu COVID-19 để lại song cuộc sống vẫn không bao giờ dừng lại. Trong cái khó luôn ló cái khôn, đó cũng là quy luật của cuộc sống. "Trời sinh voi, Trời sinh cỏ" chính là vậy. Cuộc sống vẫn phải tiến về phía trước và ai biết biến “nguy” thành "cơ“, người đó sẽ chiến thắng, ít nhất thì cũng không bị xóa sổ khỏi cuộc chơi khắc nghiệt này.