Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn mới để điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bệnh thận mạn tính vốn là nguyên nhân tử vong thứ 12 trên thế giới và trong dịch COVID-19 thì đây là căn bệnh tiềm ẩn nguy cơ tử vong rất cao. Vì thế, Bộ Y tế đã đưa ra các hướng dẫn điều trị mới nhất. 
Hội thảo triển khai “Hướng dẫn điều trị và quản lý bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19”
Hội thảo triển khai “Hướng dẫn điều trị và quản lý bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19”

Để giảm tối đa tỷ lệ tử vong của bệnh nhân thận mãn tính trong dịch COVID-19, BYT đã xây dựng “Hướng dẫn điều trị và quản lý bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19” do PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - làm Chủ biên.

Chiều nay, 10/3, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức hội thảo triển khai tài liệu này, dưới sự chủ trì của PGS.TS. TTND. Lương Ngọc Khuê. Hội thảo nhằm cập nhật các kiến thức chuyên môn cho các bác sỹ, đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận trong chẩn đoán, điều trị bệnh, đáp ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến toàn cầu và tại Việt Nam. Đây cũng là hoạt động quan trọng hưởng ứng Ngày Thận Thế giới 11/3 với chủ đề “Sống khỏe với bệnh thận”.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Tài liệu gồm 3 nội dung chính: Khuyến nghị cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối; nguyên tắc chung đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19.

Ông Lương Ngọc Khuê cho biết: Bệnh thận mạn đang gia tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo Lancet, trong năm 2017, trên toàn cầu tỷ lệ hiện mắc bệnh thận mạn tính là 9,1%. Tử vong do bệnh thận mạn tính và tử vong do bệnh tim mạch do suy giảm chức năng thận đã gây ra 4,6% tử vong trên toàn cầu vào năm 2017.

BSCKII. Tạ Phương Dung - Phó Chủ tịch Hội Thận học TP. Hồ Chí Minh
BSCKII. Tạ Phương Dung - Phó Chủ tịch Hội Thận học TP. Hồ Chí Minh

Nhưng bệnh có thể điều trị được nếu được phát hiện sớm. Việc suy giảm chức năng thận có thể được làm chậm lại, thậm chí ngừng lại, và giảm nguy cơ biến chứng tim mạch liên quan. Các phương pháp điều trị chính là chế độ ăn uống thích hợp và thuốc, lọc máu lâu dài hoặc ghép thận.

Cũng theo ông Khuê, nhu cầu điều trị lọc máu tăng cao, có nguy cơ vượt quá khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế. Hơn nữa, các bằng chứng khoa học cho thấy, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, người mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi bị ảnh hưởng nặng nề hơn, người bệnh lọc máu vào nhóm có nguy cơ cao với bệnh truyền nhiễm. Bởi đây là những người bệnh dễ bị tổn thương có nhiều bệnh mắc kèm và kèm rối loạn chức năng miễn dịch liên quan đến suy thận. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đòi hỏi các biện pháp cách ly an toàn trong phòng ngừa dịch bệnh đã tạo thêm áp lực cho hệ thống y tế và nhân viên y tế.

Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương trao đổi ý kiến

Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương trao đổi ý kiến

“Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19” do Bộ Y tế ban hành nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh lọc máu trong đại dịch COVID-19, đồng thời hướng dẫn các nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống COVID-19 và điều trị, quản lý người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối tại các cơ sở y tế, giảm thiểu nguy cơ nhiễm COVID-19, giảm áp lực lên hệ thống y tế cũng như an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và toàn xã hội” - PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

BSCKII. Tạ Phương Dung - Phó Chủ tịch Hội Thận học TP. Hồ Chí Minh - cho hay: “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19” đề cập tới ưu tiên lọc màng bụng tại nhà để người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối được điều trị, duy trì cuộc sống và an toàn hơn trong việc đối phó với đại dịch COVID-19. Thực hiện lọc màng bụng tại nhà cho người bệnh có nhiều lợi ích so với phương pháp chạy thận nhân tạo tại đơn vị lọc máu như: Người bệnh được điều trị tại nhà, giảm tần xuất đến bệnh viện khám; Giảm nguy cơ lây nhiễm; Chủ động thời gian điều trị; giảm tải bệnh viện, giảm nguy cơ cho nhân viên y tế và cộng đồng và người bệnh tự thực hiện được lọc màng bụng (sự trợ giúp của nhân viên y tế là tối thiểu)”.

TS. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu Bệnh viện Bạch Mai - trao đổi kinh nghiệm

TS. Nguyễn Hữu Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu Bệnh viện Bạch Mai - trao đổi kinh nghiệm

Ông Khuê cho biết thêm với tài liệu điều trị của Bộ Y tế, trong suốt các giai đoạn dịch COVID-19 xảy ra, việc điều trị hiệu quả cao, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân thận ở Việt Nam là thấp so với thế giới và chi phí rẻ. Hy vọng tài liệu sẽ sớm đi vào cuộc sống để cứu chữa được nhiều người bệnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia thận học của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện E, Bệnh viện đã trao đổi sâu về các vấn đề chuyên môn để đảm bảo việc điều trị bệnh nhân thận mạn trong dịch COVID-19 hiệu quả nhất.

Khuyến nghị quan trọng nhất là người bệnh hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời, duy trì ổn định chế độ điều trị kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng.

Người bệnh, người nhà bệnh nhân phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Bệnh nhân có bất thường trong theo dõi tại nhà nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế qua các phương tiện: điện thoại, Viber, Zalo, Facebook…

Khi bắt buộc phải đi khám, chữa bệnh, phải đặt lịch hẹn, không nên đến trước lịch hẹn. Khuyến khích người bệnh sử dụng phương tiện di chuyển riêng và đi một mình (hoặc cùng người chăm sóc) nếu có thể, đến cơ sở lọc máu.