Địa phương cũng cần có trách nhiệm ngăn chặn xe hết niên hạn sử dụng

VietTimes -- Cùng với các Bộ, ngành liên quan, người đứng đầu địa phương cũng bị xử lý nếu để tình trạng xe hết niên hạn sử dụng lưu thông gây tai nạn.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Quy định trên được nêu ra trong Chỉ thị số 29/CT-TTg về xử lý dứt điểm phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng (NHSD), quá hạn kiểm định lưu thông trên đường.

Cụ thể, trong Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 5-10-2016 về việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết NHSD, quá hạn kiểm định nêu rõ, ngoài yêu cầu các bộ GT-VT, Công an, Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền, tuần tra, xử phạt, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổng kiểm tra, rà soát, thống kê danh sách các phương tiện hết NHSD, quá hạn kiểm định; có phương án cụ thể xử lý theo đúng quy định pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, cơ chế chính sách để người dân, doanh nghiệp chủ động thông báo, giao nộp các phương tiện đã hết NHSD... Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng phương tiện hết NHSD, quá hạn kiểm định tham gia giao thông gây tai nạn.

Chỉ thị này được Thủ tướng đưa ra nhằm tăng cường siết chặt việc cấm xe hết NHSD lưu thông.

Hiện nay, tuy đã có quy đinh về Quản lý phương tiện giao thông đường bộ hết NHSD cấm lưu thông trên đường, tuy nhiên việc các xe hết NHSD vẫn hoạt động trên đường là điều không hiếm thấy.

Có một thực tế là, hầu hết xe sắp hết NHSD đều bỏ kiểm định những kỳ cuối cùng và không nộp lại giấy chứng nhận đăng kiểm. Đơn vị đăng kiểm gửi thông báo đến chủ xe, theo địa chỉ giấy tờ đăng ký, nhưng không thấy trường hợp nào hồi âm. Có trường hợp, trước khi xe hết NHSD, đã được mua bán, chuyển vùng, chủ mới không sang tên hay đi đăng kiểm.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là sự bất cập về mặt thông tin. Thông tin về xe hết NHSD mới dừng ở các cơ quan quản lý nhà nước cấp cao mà chưa đến được cấp cơ sở. Nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của chủ phương tiện sẽ rất khó kiểm soát. Do vậy, thông tin phải đến được với các lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra, xử lý tại địa phương và người dân trên địa bàn, để cùng hiểu rõ đây là nguy cơ gây tai nạn giao thông. Ngoài ra, cần có chế tài mạnh hơn, xe hết NHSD phải được tiêu hủy thì mới có thể ngăn chặn một cách hiệu quả.

Ngoài ra, còn có một phần không nhỏ là do ý thức của chủ phương tiện và lái xe còn kém. Dù hành vi đó là vi phạm pháp luật, song Cục ĐKVN chỉ có thể kiểm tra, phát hiện và kiến nghị địa phương xử lý chứ không có quyền chặn bắt xe. Để kiểm soát chặt hơn với phương tiện đã hết NHSD trên toàn quốc, cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến UBND cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, nên giao công an xã, công an khu vực giám sát việc chủ xe nộp lại giấy tờ đăng ký, biển số. 

Được biết, đến hết năm nay, cả nước sẽ có khoảng 290.000 phương tiện các loại, gồm cả xe con, xe khách, xe tải và xe chuyên dùng hết NHSD, không được phép lưu thông.

Theo quy định hiện nay, các xe hết NHSD và sắp hết niên hạn sẽ được cập nhật vào danh sách cảnh báo tại chương trình quản lý kiểm định, để các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới từ chối kiểm định. Danh sách này cũng được báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ GT-VT và gửi tới lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông. Ngoài ra, chủ phương tiện sẽ được các trung tâm đăng kiểm thông báo bằng nhiều hình thức trước khi xe hết NHSD tại các chu kỳ kiểm định cuối. Với xe sắp hết NHSD, khi kiểm định kỳ cuối, chỉ cấp thời gian kiểm định đến hết NHSD. Ngoài ra, Cục ĐKVN cũng khuyến cáo lái xe, chủ phương tiện, khi hết NHSD phải gửi lại giấy đăng ký cho cơ quan công an, không được phép lưu hành...