|
Ảnh minh họa |
Theo đó, ĐHĐCĐ đã thông nhất thông qua các tờ trình miễn nhiệm đối với ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco và bầu 3 người mới tham gia và HĐQT.
Cụ thể, 3 thành viên HĐQT mới bao gồm: ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore), hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Beer Group (công ty đang sở hữu 49% công ty mẹ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vietnam Beverage); ông Tan Tiang Hing, Malcolm (quốc tịch Malaysia), hiện là CEO Công ty Dexcel International và từng làm cho Heneiken; ông Sunyaluck Chaikajornawat (quốc tịch Thái Lan) đang làm việc tại Weerawong Chinnavat & Partners Ltd (Thái Lan).
Các thành viên này đều được cổ đông tán thành với tỷ lệ rất cao: ông Koh Poh Tiong với gần 95% cổ đông tán thành, ông Tan Tiang Hing với 94,52% tán thành và ông Sunyaluck Chaiajornwat với hơn 84% cổ đông tán thành.
Tại đại hội, ông Koh Poh Tiong đã phát biểu sau khi chính thức trở thành thành viên HĐQT Sabeco, ông cho biết: “Tôi hiểu rằng Sabeco mong muốn trở thành thương hiệu bia hàng đầu và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Với sự hỗ trợ của thành viên HĐQT và cổ đông Sabeco, chúng tôi tự tin làm được việc này. Tôi mong muốn đưa thương hiệu bia 333, bia Sài Gòn thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam và vươn lên tầm quốc tế”.
Trước đó, ngày 18/12, Công ty Thai Beverage Public (ThaiBev) thông qua Công ty TNHH VietNam Beverage đã mua thành công 343,642 triệu cổ phần SAB (53,59%VĐL) với mức giá 320.000đồng.
Trong một văn bản gần đây gửi Chính phủ VN, ThaiBev bày tỏ lo ngại từ lúc mua thành công 53,59% VĐL SAB tới nay vẫn chưa được tham gia HĐQT và điều hành Sabeco thông qua công ty con VietBev.
Trước kiến nghị này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, giao Bộ công thương khẩn trương xem xét và xử lý ý kiến của ThaiBev theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
ThaiBev làm ăn ra sao kể từ khi mua lại Sabeco?
Theo báo cáo tài chính gần nhất của ThaiBev (giai đoạn 01/10/2017 – 31/12/2017), tình hình kinh doanh của công ty này không mấy khả quan so với các năm trước đây.
Doanh thu bán hàng của ThaiBev sụt giảm 2,6% và đạt 45,6 tỷ Baht. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lợi nhuận ghi nhận đà giảm lớn hơn nhiều, đặc biệt là khi bao gồm thêm cả các chi phí tài chính liên quan đến thương vụ thâu tóm Sabeco và chi phí bất thường từ hoạt động thâu tóm khác.
Lợi nhuận ròng của ThaiBev ghi nhận trong kỳ chỉ đạt 3 tỷ Baht, tương đương mức giảm 61% so với cùng kỳ (nếu loại bỏ chi phí liên quan đến hoạt động thâu tóm, mức giảm chỉ còn 29,3%). Điều này kéo chỉ số EPS cơ bản của ThaiBev giảm mạnh xuống mức 0,12 Baht, tương đương với mức giảm 61,3% (nếu loại bỏ chi phí liên quan đến thâu tóm, EPS cơ bản đạt mức 0,21 Baht, tương ứng với mức giảm 32,3%).
Nguyên nhân chính đến từ việc kinh doanh không mấy khả quan ở thị trường trong nước (mặc dù vẫn giữ vững được thị phần nhưng hai lĩnh vực kinh doanh chính ghi nhận sự sụt giảm về doanh thu, cụ thể: lĩnh vực sản xuất rượu giảm 5,8%; lĩnh vực sản xuất bia cũng giảm 4%) và gánh nặng chi phí từ những thương vụ thâu tóm mà ThaiBev thực hiện, trong đó có thương vụ Sabeco.
Được biết, để có được 53,59% cổ phần tại Sabeco, tập đoàn này đã phải huy động nguồn tài chính lên tới gần 5 tỷ USD. Đa phần là các khoản vay với 5 ngân hàng có quy mô hàng đầu Thái Lan về tổng tài sản là Bangkok Bank, Bank of Ayudhya, Kasikornbank, Krung Thai Bank, và The Siam Commercial Bank. Nguồn vốn cũng được huy động bởi BeerCo (do ThaiBev sở hữu 100%), với khoản vay 1,95 tỷ USD từ 2 ngân hàng là Mizuho Bank (chi nhánh Singapore) và Standard Chartered Bank (chi nhánh Singapore).
Các khoản vay từ nhiều nguồn khác nhau đều có cùng mức kỳ hạn là 24 tháng, được đảm bảo bằng chính cổ phiếu Sabeco. Cũng chính vì các khoản vay nợ lớn này mà hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings của Thái Lan đã hạ bậc và đã có lúc xếp ThaiBev vào danh sách theo dõi tiêu cực (Ratings Watch Negative).