Ngày 31/03/2016, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016. 103 cổ đông đại diện cho 73,34% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã tham dự.
Tại Đại hội, ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc của Hòa Phát báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015 với doanh thu 27.864 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.504 tỷ đồng – tăng trưởng lần lượt là 30% và 24% so với năm 2014.
Riêng mảng sản xuất thép đóng góp 79% doanh thu và 82% lợi nhuận. Tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ năm 2015 của Hòa Phát là 1,38 triệu tấn – tăng 38% so với 2014. Thị phần thép xây dựng đạt 21,3%. Theo ông Dương, sự ấm lên của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở có mức giá trung bình đã giúp cho sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng lần lượt là 30% và 24% so với năm trước.
Bên cạnh thép xây dựng, sản lượng tiêu thụ ống thép cũng tăng hơn 40%, đóng góp 7.000 tỷ đồng doanh thu và tiếp tục dẫn đầu thị phần tiêu thụ ống thép trong cả nước.
Mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi trong năm đầu hoạt động đã bị lỗ. Ông Dương nhấn mạnh, việc phát triển mảng này là dài hạn và phải 5, 6 năm nữa mới có thể thấy hiệu quả. Đó là đặc thù của ngành nông nghiệp.
Năm 2016, Ban lãnh đạo Hòa Phát nhận định sẽ vẫn khó khăn do sức ép dư cung rất mạnh của Trung Quốc. Đồng thời đây cũng là năm tiền đề để Hòa Phát triển khai các dự án về chăn nuôi và tiếp tục đầu tư Dự án Mandarin Garden 2.
Kế hoạch đặt ra cho năm 2016 khá thận trọng. Doanh thu dự kiến 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 3.200 tỷ đồng – giảm so với năm 2015. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông HPG là 3.198 tỷ đồng. EPS dự kiến 3.794 đồng.
HĐQT trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 30%, trong đó 15% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu, thực hiện trong quý 2/2016. Tỷ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2016 cũng là 30%.
Tại phần thảo luận, không khác những năm trước, cổ đông lại đặt câu hỏi về việc Ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận khá dè dặt.
Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát, ông Trần Đình Long trả lời:
“Tôi là cổ đông lớn nhất, cũng mong LN công ty cao nhất có thể. Còn trong vai trò ở Ban điều hành thì không ai muốn nhận áp lực lớn. Nhưng nói rõ, kế hoạch ban đầu năm 2016 chỉ là 2.500 tỷ trong hoàn cảnh kinh tế thế giới rất khó khăn và sản phẩm thép giảm giá trên 30%, sau đó mới tăng lên là 3.200 tỷ, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để bằng 2015.”
Ông Long cho rằng cổ đông cần chia sẻ khó khăn với Ban điều hành.
Một vấn đề cũng không còn mới nhưng tiếp tục được hỏi là về thù lao của HĐQT. Cổ đông cho rằng thù lao của HĐQT là 1% lợi nhuận là hơi cao? Đồng thời thù lao cho Ban kiểm soát chỉ có 20 triệu đồng/năm là quá thấp.
Ông Long trả lời, Hòa Phát ở 1 đẳng cấp khác. Rất hiếm DN nào doanh thu trên 1 tỷ USD, năm nào cũng đầu tư lớn mà vẫn chia cổ tức đều đặn cho cổ đông. Việc trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15% là rút ra khỏi vốn kinh doanh đến 1.000 tỷ.
"Thù lao gọi là cao cũng đúng mà thấp cũng đúng. Với quy mô của Hòa Phát, lương của CEO không thể dưới 300 – 400 triệu/tháng. Trong khi đó, lương anh Tuấn Dương là 70 triệu/tháng. 35 tỷ thù lao để trả cho việc Ban lãnh đạo phải làm ra được 3.500 tỷ. Như thế, có thể cao so với một vài công ty nhưng là thấp so với nhiều công ty khác."
Ông Long cũng thừa nhận thù lao của Ban kiểm soát quả thật thấp quá, điều này sẽ được điều chỉnh lại.
Theo Trí thức trẻ