Giá thép Việt Nam đang cao hơn thế giới, tự vệ làm gì?

VietTimes – Đó là băn khoăn được đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ tại phiên thảo luận Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) trong khuôn khổ kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII, diễn ra vào chiều 25/12.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng áp thuế tự vệ thương mại cần chú ý đến yếu tố thị trường. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng áp thuế tự vệ thương mại cần chú ý đến yếu tố thị trường. Ảnh: Quochoi.vn

Thừa nhận việc áp dụng biện pháp tự vệ cho các mặt hàng sản xuất trong nước là một biện pháp rất tốt và đã được nhiều nước áp dụng để bảo vệ sản xuất cũng như bảo vệ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Bảo cũng lại chỉ ra một thực tế bất cập ở Việt Nam hiện nay liên quan đến vấn đề này là: “Trên thực tế, hiện tại Việt Nam đang có tình trạng nếu chúng ta đưa ra thuế phòng vệ cho các mặt hàng, nếu không cân nhắc một cách kỹ càng thì chúng ta làm thiệt hại đến người tiêu dùng.”

“Chúng ta không khuyến khích sản xuất trong nước cũng như cạnh tranh trong các doanh nghiệp khi chúng ta có nền kinh tế hội nhập sâu và rộng như hiện nay”, vị đại biểu kiêm nhiệm đang công tác ở Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời khuyến nghị, khi chúng ta đưa ra các hàng rào, các thuế phòng vệ thì chúng ta phải ưu tiên đến thị trường, quan tâm thị trường nhiều hơn. Chúng ta phải biết tận dụng tối đa của hội nhập trong kinh tế vĩ mô.

Ông Bảo dẫn chứng một câu chuyện nhãn tiền vừa diễn ra để nói về luận điểm của mình. Cụ thể là việc Bộ Công Thương, cách đây 2 hôm, đã quyết định áp thuế phòng vệ 23% đối với phôi thép và thép dài. Quyết định này của Bộ Công thương, ngay lập tức đã khiến giá thép trên thị trường biến động, tăng cao 2.000 – 3.000 đồng/kg và có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá, qua đó, kéo các vật liệu xây dựng khác đi theo.

“Như vậy, phải tính đến thiệt hại của nền kinh tế. Trong khi tỷ lệ thép trên thế giới hiện nay đang thấp hơn Việt Nam khoảng 10 đến 15%. Tôi nói tại sao. Công nghệ sản xuất thép của chúng ta, hàm lượng mỏ ra 1 tấn thép đang cao hơn thế giới. Công nghệ của chúng ta chưa đạt được cho nên khi một tấn thép sản xuất ra cao hơn thế giới khoảng 50 đô. Vậy, đặt một bài toán có nên xây dựng cái hàng rào để bảo vệ nguồn sản xuất trong nước không?” – đại biểu Bảo đặt câu hỏi và nêu quan điểm: “Quan điểm của tôi là không nên làm như vậy, bởi vì hiện nay thế giới đang chuyển dần từ nguồn tài nguyên tái tạo còn hơn đi khai thác cạn kiệt như hiện nay để tận dụng. Chúng ta đi bảo vệ một việc mà nếu mua ở nước ngoài còn rẻ hơn làm trong nước. Tôi thấy như thế có vấn đề, kể cả về xăng dầu, về sắt thép”.

Giá thép Việt Nam đang cao hơn thế giới, tự vệ làm gì? ảnh 1

 Biện pháp tự vệ tạm thời mà Bộ Công thương vừa ra chỉ có lợi cho các "đại gia" thép như Hòa Phát, trong khi lại làm khổ người tiêu dùng?!

Ông Bảo kiến nghị, trong điều hành cần hết sức quan tâm đến bài toán vĩ mô, phải cân đối lại và hướng tới mục đích cao nhất là người sử dụng. Và chỉ khi nào làm được điều này thì chúng ta mới đạt hiệu quả trong vấn đề đưa ra về hàng rào thuế quan.

Số tiền thuế thu được không nộp vào ngân sách ngay

Liên quan đến nội dung phòng vệ thương mại, trước đó, trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách – Phùng Quốc Hiển cũng cho hay, rằng có ý kiến bày tỏ nội dung giao thẩm quyền cho Bộ Công Thương quy định thuế chống bán phá giá là chưa phù hợp.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phòng vệ thương mại là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Các biện pháp này chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ do Bộ Công Thương tiến hành khi có dấu hiệu về thiệt hại đối với thị trường trong nước. Số tiền thuế thu được không nộp vào ngân sách mà nộp vào tài khoản riêng do Bộ Công Thương quản lý, chỉ được nộp vào kho bạc khi có quyết định chính thức kết quả điều tra hoạt động phá giá và trợ cấp của doanh nghiệp nước ngoài.

“Việc quyết định thuế suất sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra của Bộ Công thương. Bên cạnh đó, việc không quy định cụ thể về mức hoặc khung thuế suất là phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời là lợi thế và tạo thuận lợi, chủ động cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều hành hoạt động thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu. Do đó, cơ quan thường trực xin Quốc hội cho phép giữ như dự thảo luật.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ số lần, thời gian được gia hạn cũng như cần quy định mức sàn với thuế phòng vệ thương mại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải rằng, việc gia hạn đối với các loại thuế này và thời gian gia hạn phụ thuộc vào việc công ty thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện các biện pháp thương mại không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Trong trường hợp các công ty này bị áp thuế phòng vệ thương mại mà tuân thủ các quy định về thương mại thì các loại thuế trên sẽ không được tiếp tục gia hạn. Bên cạnh đó, việc không quy định cụ thể số lần, thời gian gia hạn và mức sàn đối với thuế phòng vệ thương mại là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hữu Vinh