Đại gia thép Việt và “ma trận” thị trường

VietTimes -- Tháng 3/2015, tại Đại hội cổ đông Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HSX: HPG), các lãnh đạo của doanh nghiệp này tự tin tuyên bố: năng lực và quy mô của thép Hòa Phát “hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với thép Trung Quốc”.
Lãnh đạo Thép Hòa Phát đã từng tỏ ra đầy tự tin...
Lãnh đạo Thép Hòa Phát đã từng tỏ ra đầy tự tin...

Chưa đầy một năm sau, tháng 2/2016, cũng chính lãnh đạo thép Hòa Phát ký vào bản kiến nghị Chính phủ có biện pháp giảm nhập khẩu phôi thép để “cứu” ngành sản xuất phôi thép nội.

Theo Bộ Công thương, tháng 12/2015, nhóm 4 công ty đại diện cho 38,6% lượng sản xuất phôi thép và 34,25% lượng sản xuất thép dài của cả nước (bao gồm cả Hòa Phát) đã gửi Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. 

Đến 18/2/2016, Hòa Phát gửi văn bản, tiếp tục "nhắc" Chính phủ về đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ ngành thép trong nước. Hòa Phát khẳng định, nếu duy trì tốc độ nhập khẩu phôi thép hiện nay, thì có thể “kéo lùi phát triển của ngành thép Việt Nam tới 10 năm”, khi nhu cầu phôi cho sản xuất thép phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Sau những yêu cầu, kiến nghị này, biện pháp “tự vệ tạm thời” được quyết định áp dụng (trong tối đa 200 ngày) là tăng thuế nhập khẩu phôi thép và thép thành phẩm. Mức áp thuế tự vệ là khá lớn, từ 14,2% tới 23,2% tùy loại thép.

Thuế nhập khẩu thép tăng với lý do “tự vệ” đã đáp ứng quá cả mong muốn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép. Vì mục tiêu chính - ngăn thép nhập khẩu – chưa rõ có thành công hay không, thì “tác dụng phụ” đã thấy ngay, là lập tức “kéo” giá bán thép tăng mạnh.

Khảo sát mới nhất cho thấy giá thép đã tăng khoảng 20% so với vỏn vẹn 1 tháng trước. 

Đương nhiên, giá thép tăng thì kết quả doanh thu của thì doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép cũng tăng tương ứng. Trong đó, là doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, nắm giữ tới gần 25% thị phần, doanh thu tăng thêm từ bán thép Hòa Phát cũng là lớn nhất.

Ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc thép Hòa Phát - "nói rõ" cho sự tăng thêm này, là giá thép sau khi công bố áp thuế tự vệ không phải đang tăng, mà thực tế là chỉ đang… hồi phục lại mức trước khi suy giảm. Và giá thép sẽ ổn định lại trong thời gian ngắn.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá thép đầu năm 2016 đã giảm 35% so với năm trước, và tăng trở lại sau khi có lệnh tăng thuế nhập khẩu để "tự vệ".  

Còn nhớ, tại đại hội cổ đông năm 2015, các lãnh đạo thép Hòa Phát tự tin khẳng định năng lực công nghệ và quy mô sản xuất đã đạt được, doanh nghiệp này có thể cạnh tranh sòng phẳng với thép nhập khẩu. Hòa Phát đã chuẩn bị kỹ lưỡng để cạnh tranh với thép Trung Quốc là thông điệp lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp này công bố.

Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, cũng chính Hòa Phát lại đề nghị chính phủ có biện pháp “chặn” thép nhập khẩu. Sự thiếu tự tin này rõ ràng không “tương xứng” với những khẳng định trước đó của của lãnh đạo tập đoàn. Nhất là trong giai đoạn giá thép suy giảm các năm qua, Hòa Phát là doanh nghiệp duy nhất của ngành thép Việt Nam duy trì được lợi nhuận đều đặn hàng năm. Đây cũng là giai đoạn Hòa Phát gia tăng năng lực sản xuất mạnh mẽ nhất, để trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Trước đó, tháng 7/2013, cho rằng hoạt động xuất khẩu quặng sắt quá lộn xộn, giá trị thấp, nhiều rủi ro, Hòa Phát đã đề nghị Bộ Công thương dừng xuất khẩu quặng sắt. Hòa Phát cũng đồng thời cũng cam kết mua lại quặng sắt đã qua chế biến trong nước với “giá cao hơn giá xuất khẩu".  

Sau đề nghị này, việc xuất khẩu quặng sắt đã chấm dứt, và làm bùng nổ cuộc tranh cãi của 13 doanh nghiệp trong nước với cơ quan quản lý. Lý do vì sau khi cấm xuất khẩu, thì quặng sắt chỉ bán được cho duy nhất… Hòa Phát - doanh nghiệp đã chuyển hẳn sang sử dụng quặng sắt để sản xuất thép.

Giá quặng, do thế, đã giảm một nửa so với trước. Và thế là cấm xuất khẩu quặng lại chỉ làm lợi cho một… Hòa Phát, mà làm hại cho những doanh nghiệp còn lại.

Phản hồi từ cơ quan quản lý cho thấy dừng xuất khẩu các loại quặng là chủ trương nhất quán trong nghị quyết của Chính phủ từ trước, Hòa Phát chỉ làm nhiệm vụ “nhắc lại” chủ trương ấy. Đồng thời việc mua bán quặng sắt thì phải theo nguyên tắc thị trường, thuận mua vừa bán, cơ quan quản lý không can thiệp về giá cả. 

Thực tế sau đó cho thấy Hòa Phát đã nhập quặng từ Nam Phi với giá tương đương với giá mua của các doanh nghiệp trong nước. “Liên minh” 13 doanh nghiệp đã thua trong im lặng. Dù rõ ràng đến nay cả nước có 14 doanh nghiệp có công nghệ sản xuất thép hoàn toàn từ quặng, nhưng chỉ có một vài doanh nghiệp chịu mua quặng trong nước, trong đó có Hòa Phát. 

Nói cách khác, dù liên tục khẳng định rằng mình đã đủ tầm vươn thế giới, sẵn sàng đón đầu FTA và cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ sừng sỏ nhất thì việc phải "nương" quá nhiều vào các biện pháp bảo hộ của Chính phủ, một lần nữa lại đặt ra câu hỏi về sự trưởng thành thực sự của "ông lớn" này.

Nếu không có hai liều "doping" ngăn xuất khẩu quặng và chặn nhập khẩu thép, lãnh đạo Thép Hòa Phát liệu có "chuẩn bị sẵn tinh thần" để tự tin tuyên bố "nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng Hòa Phát sẽ lại ngoạn mục"?!

Một năm trước, lãnh đạo Hòa Phát đã nói gì tại Đại hội cổ đông năm 2015 ?

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT: Sắt thép sẽ cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tăng trưởng không mạnh so với sức sản xuất. Thị trường trong nước, năm nay dự kiến nhu cầu tăng trung bình 11% nhưng sức sản xuất tăng 20-22%.

Thêm nữa bối cảnh Việt Nam tham gia sâu vào các FTA, độ mở của nền kinh tế và ngành công nghiệp sắt thép là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để Hòa Phát có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Ngành thép của Việt Nam cạnh tranh lớn nhưng chúng tôi muốn gửi đến quý cổ đông rằng trong cuộc cạnh tranh này chúng ta chuẩn bị sẵn tinh thần. Nhiều doanh nghiệp khó khăn nhưng Hòa Phát sẽ lại ngoạn mục trong năm 2015.

- Hòa Phát sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc về lĩnh vực sản xuất thép như thế nào?

Ông Trần Đình Long: Câu chuyện cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc là câu chuyện xưa như trái đất. Chúng ta chấp nhận cạnh tranh và cố gắng sản lượng 2015 đạt 1,2 triệu tấn trong khi năm 2014 là 1 triệu ngàn tấn. Trong giai đoạn cung vượt cầu làm như vậy là tốt rồi.

Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT: Trung Quốc là quốc gia sản xuất nửa lượng thép toàn thế giới, là cường quốc sắt thép nhưng công ty chúng ta đã tiến tới công nghệ, quy mô cỡ như Trung Quốc. Chúng ta hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với thép Trung Quốc mặc dù thêm một nhà nhập khẩu, nhà cạnh tranh là khó khăn.

Quốc Dũng - Ninh Giang