ĐH Đông Á chuyển giao công nghệ sản xuất nước mắm sạch cho làng nghề Tam Thanh

VietTimes -- Sáng 8/7, Hội đồng khoa học Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) đã ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất nước mắm sạch cho làng nghề nước mắm Tam Thanh (Quảng Nam).
Sáng 8/7, Hội đồng khoa học Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) đã ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất nước mắm sạch cho làng nghề nước mắm Tam Thanh (Quảng Nam).


Theo đó, tại Hội thảo "An toàn thực phẩm-Bảo vệ sức khỏe cộng đồng" diễn ra sáng 8/7 có sự tham dự của đại diện 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, sinh học và hàng trăm sinh viên khoa công nghệ thực phẩm trường ĐH Đông Á.

Đặc biệt, tại sự kiện, Trường ĐH Đông Á đã ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất nước mắm sạch trên công nghệ sản xuất truyền thống cho Làng nước mắm Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam).

Tại buổi Ký kết, đại diện Nhóm nghiên cứu ĐH Đông Á cho biết, sau thời gian nghiên cứu, thực nghiệm ngay tại làng nghề nước mắm Tam Thanh, nhóm nghiên cứu đã cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu thời gian sản xuất và đưa ra công nghệ sản xuất nước mắm truyền thống mới, cải thiện được các nhược điểm đang tồn tại của nước mắm truyền thống như: đổi màu, trở mùi khi để lâu. Nhất là nâng cao được sản lượng sản xuất nhưng vẫn giữ được chất lượng, giúp người dân làng nghề có thể ổn định và phát triển.  

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: "Làng nghề nước mắm Tam Thanh là một làng nghề truyền thống được cấp chứng nhận. Nhưng do sản xuất bằng công nghệ truyền thống nên vấp phải những khó khăn trong cạnh tranh cũng như tiêu thụ trước sản phẩm nước mắm sản xuất bằng quy mô công nghiệp mặc dù chất lượng rất tốt. Nên việc áp dụng công nghệ mới của ĐH Đông Á giúp sản phẩm vẫn giữ nguyên chất lượng nhưng hình ảnh, màu sắc được đẹp hơn, công tác bảo quản tốt hơn cũng như hoạt động quảng bá sản phẩm ra thị trường đảm bảo hơn".

Bà Trần Thị Ngọc Loan, chủ thương hiệu nước mắm Ngọc Lan, làng nghề nước mắm Tam Thanh  (Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ: "Làng nghề nước mắm Tam Thanh đã có từ lâu đời nay và hoàn toàn sản xuất bằng công nghệ truyền thống nên các nhược điểm của sản phẩm truyền thống như: sản lượng không cao; mùi, màu chưa được bắt mắt. Nên đối với công nghệ này, sản phẩm nước mắm vẫn giữ nguyên được chất lượng nhưng mùi, màu sản phẩm được duy trì. Đặc biệt là quy mô sản xuất được nâng lên cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn.

Nếu như trước đây, công suất sản xuất chỉ khoảng 100 lít/hộ/ngày chỉ đáp ứng được nhu cầu mua làm quà lưu niệm, thì với công nghệ này, công suất có thể tăng lên từ 300-400 lít/hộ/ngày. Nhưng quan trọng nhất là chất lượng vẫn được giữ nguyên. Việc ĐH Đông Á chuyển giao công nghệ đã tạo cơ hội cho cá nhân thương hiệu nước mắm Ngọc Lan và làng nghề nước mắm Tam Thanh".

Theo ký kết, dự án sẽ được thực hiện chuyển giao trong thời gian 2 năm (2016-2017). Sau khi chuyển giao thí điểm, công nghệ sẽ được nhân rộng cho toàn bộ làng nghề theo định hướng phát triển vừa là nơi sản xuất, vừa là điểm tham quan du lịch làng nghề truyền thống.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Hội đồng quản trị-Hội đồng Sư phạm và sinh viên Đại học Đông Á đã trao tặng 23 suất quà cho 23 sinh viên của các gia đình ngư dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp sau sự cố ô nhiêm môi trường biển miền Trung

* Tặng 23 suất quà cho con em ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Hội đồng quản trị-Hội đồng Sư phạm và sinh viên Đại học Đông Á đã trao tặng 23 suất quà cho 23 sinh viên của các gia đình ngư dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp sau sự cố ô nhiêm môi trường biển miền Trung.