Đến thời nông dân, ngư dân cũng làm kinh tế số

 Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia đang có những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển nền kinh tế số (digital economy).
Quan chức Bộ Thông tin và truyền thông Indonesia (bìa phải) giới thiệu chương trình Tầm nhìn số tại Thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin diễn ra ở Geneva tháng 6-2017 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Indonesia
Quan chức Bộ Thông tin và truyền thông Indonesia (bìa phải) giới thiệu chương trình Tầm nhìn số tại Thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin diễn ra ở Geneva tháng 6-2017 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Indonesia

Theo báo cáo tháng 5-2017 của Hãng Bain & Company, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á trị giá 50 tỉ USD với 200 triệu người dùng Internet. Trụ cột của nền kinh tế số là thương mại điện tử (trị giá 15 tỉ USD trong năm 2016), theo sau là truyền thông và giải trí (3 tỉ USD) và quảng cáo số (2 tỉ USD).

Tập trung vào công nghệ mới

Cuối tháng 8-2017, Campuchia trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ký hiệp định khung về việc không sử dụng giấy tờ bản cứng trong giao dịch thương mại qua biên giới với Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP). Đây là sáng kiến của LHQ nhằm thúc đẩy thương mại điện tử ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo thông cáo do ESCAP phát ngày 29-8, ngay cả khi chỉ áp dụng một phần, sáng kiến này vẫn sẽ giúp giá trị xuất khẩu tăng 36 tỉ USD/năm, giảm thời gian xuất khẩu 44% và tiết kiệm được 31% chi phí.

Trong bài viết đăng trên tờ Myanmar Times ngày 21-8, chuyên gia Rizqy Anandhika đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (trụ sở Indonesia) cho rằng "nền kinh tế số là yếu tố cần thiết để ASEAN hưởng lợi từ cách mạng công nghiệp lần 4".

Ông Anandhika khuyến cáo các nước ASEAN cần tập trung đặc biệt vào các công nghệ mới có liên quan đến kinh tế số như trí tuệ nhân tạo, robot, dữ liệu lớn và năng lượng sạch. 

"Để tồn tại được trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, các nước ASEAN cần chuẩn bị thích ứng với hệ sinh thái của nền kinh tế số và lấy đó làm nền tảng để tham gia cách mạng công nghiệp lần 4" - ông Anandhika nhấn mạnh.

Sau đó ít ngày, trên báo The Straits Times hôm 26-8, ông Andrew Sheng, chuyên gia của Viện Nghiên cứu châu Á toàn cầu (Asia Global Institute) thuộc ĐH Hong Kong, có bài viết với tiêu đề đầy tính lạc quan: "Các nước ASEAN đang tiến bước vào nền kinh tế số".

Tác giả cho rằng các quốc gia ASEAN có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế số, từ lợi thế vị trí địa lý, dân số trẻ, tăng trưởng kinh tế khá đến số lượng người dùng Internet đông đảo. 

Ông Sheng dẫn báo cáo năm 2016 của Hãng Temasek và Google cho biết sáu quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) sẽ trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng Internet nhanh nhất thế giới với hơn 480 triệu người "online" vào năm 2020.

Ông Sheng cho biết nhiều nước trong khu vực hiện thiếu các hệ thống phân phối và bán lẻ tiên tiến, song người dân các quốc gia trong khối "có cả kỹ năng tin học lẫn khả năng thích ứng nhanh với các công nghệ mới". 

"Đây là lý do giúp ASEAN phát triển mạnh về thương mại điện tử" - ông Sheng lạc quan cho biết.

"Tầm nhìn số"

Chuyên gia Sheng lấy chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế số "Thailand 4.0" của Thái Lan hay thành công của Grab, ứng dụng đặt xe xuất phát từ Malaysia, nhưng đã phủ sóng cả khu vực để chứng minh cho nhận định "ASEAN tiến bước vào nền kinh tế số" của mình.

Còn với Indonesia, từ năm 2015 chính phủ nước này đã khởi động chương trình Go Digital Vision (tạm dịch là "Tầm nhìn số") 2020, gồm nhiều mục tiêu như giúp 1 triệu nông dân và ngư dân tiếp cận với các giải pháp số, tạo 1.000 công ty khởi nghiệp liên quan đến công nghệ trị giá 10 tỉ USD và trở thành "nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á", theo báo Jakarta Post.

Năm 2016, Google và Temasek dự đoán quốc gia Hồi giáo này sẽ trở thành nền kinh tế số chủ lực trong khu vực. Báo Jakarta Post cũng dẫn báo cáo của Hãng nghiên cứu McKinsey dự báo đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 150 tỉ USD cho kinh tế Indonesia mỗi năm.

Go Digital Vision được thể hiện qua thành công của ứng dụng đặt xe Go-Jek (tương tự Grab), hiện được định giá 1,3 tỉ USD và đang góp phần giảm áp lực giao thông tại các thành phố lớn ở Indonesia. 

Chính phủ cũng có nhiều hành động thiết thực như đơn giản hóa thủ tục (cho phép đăng ký kinh doanh thương mại điện tử thông qua cấp tổ chức, hiệp hội thay vì văn phòng đăng ký của chính phủ) và tăng độ phủ sóng mạng băng thông rộng ra toàn quốc.

Cũng từng bước tiến đến mục tiêu nền kinh tế số bằng những hành động cụ thể, Singapore có "SMEs Go Digital", sáng kiến nhằm giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm chi phí, tăng hiệu quả và chất lượng dịch vụ, theo trang Digital News Asia.

Hồi tháng 6-2017, ông Koh Poh Koon, quốc vụ khanh Bộ Công nghiệp và thương mại Singapore, tuyên bố Singapore sẽ ưu tiên thúc đẩy thương mại điện tử ở khu vực khi nước này bắt đầu giữ ghế chủ tịch ASEAN vào năm 2018. 

Trong kế hoạch đó, đảo quốc này sẽ thể hiện vai trò tiên phong qua các dự án trong nước như hệ thống nhận diện công dân điện tử hay thanh toán không tiền mặt, đài Channel News Asia dẫn lời ông Koh.

Không ít thử thách

Dù có nhiều tiềm năng và mục tiêu, kế hoạch hành động cụ thể, tầm nhìn kinh tế số của ASEAN gặp không ít trở ngại. Chuyên gia Sheng, trong bài viết trên Straits Times, cho biết hạ tầng khu vực cần phải phát triển thêm mới đáp ứng được đòi hỏi của kinh tế Internet. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính các nước ASEAN phải đầu tư 60 tỉ USD/năm để phát triển hạ tầng tương xứng. Ngoài ra, chuyên gia Anandhika cho rằng chính quyền từng nước cũng phải có các chính sách phát triển nhân lực và quy định để điều tiết thị trường, tránh tình trạng công ty phát triển quá mạnh, thao túng thị trường.

Theo Tuổi Trẻ
http://tuoitre.vn/asean-tien-vao-nen-kinh-te-so-2017091016291938.htm