Đề xuất xây đường nối Đại lộ Đông Tây-cao tốc Trung Lương

VietTimes - Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất Thương mại và Dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) vừa có Tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải trong đó đề xuất đầu tư dự án xây đường nối Đại lộ Đông Tây đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và BT (xây dựng-chuyển giao).
Đề xuất xây đường nối Đại lộ Đông Tây-cao tốc Trung Lương

Tuyến đường kết nối này có chiều dài khoảng 2,7km với điểm đầu tiếp giáp với nút giao Đại lộ Đông Tây và Quốc lộ 1A, điểm cuối là nút giao Tân kiên-giao với tuyến nối Tân Tạo-Chợ Đệm của đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương.

Tuyến đường được đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 1.950 tỷ đòng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) trong đó huy động vốn của nhà đầu tư (BOT) và vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Mặt cắt ngang đường 60m bao gồm 10 làn xe.

Để hoàn vốn cho dự án, Công ty Yên Khánh sẽ sử dụng trạm thu phí và phương án thu phí trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương để hoàn một phần vốn đầu tư. Số tiền còn thiếu đề nghị dùng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Trước đó, từ ngày 1/1/2014, Công ty Yên Khánh đã trúng đấu giá quyền thu phí sử dụng đường bộ đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương với giá 2.004 tỷ đồng có thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/1/2014. Tuy nhiên, sau 12 tháng tổ chức thu phí, lưu lượng xe tham gia giao thông trên tuyến cao tốc liên tục giảm dẫn tới ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của Công ty.

Lý giải thực tế trên, bà Vũ Thị Hoan, Tổng giám đốc Công ty Yên Khánh cho biết, qua khảo sát tình trạng giao thông tại khu vực xung quanh tuyến cao tốc này, Công ty Yên Khánh nhận thấy các phương tiện giao thông đi từ đường Đai lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt) muốn vào đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương phải đi theo Quốc lộ 1, qua cầu Bình Điền sau đó quẹo phải vào đường dẫn cao tốc, trong khi đó cầu Bình Điền thường xuyên trong tình trạng kẹt xe, quá tải đặc biệt vào các giờ cao điểm và lễ Tết. Ngoài ra, đoạn đường Hồ Học Lãm-đại lộ Đông Tây thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước.

“Đặc biệt, các tuyến đường song song và lân cận với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương như đoạn Quốc lộ 1A đã được nâng cấp, mở rộng; tuyến đường N2 từ Củ Chi đến Mỹ An đưa vào khai thác đã thu hút một lượng lớn các phương tiện giao thông do rút ngắn hành trình đi về các tỉnh miền Tây Nam Bộ và không phải trả phí,” bà Hoan cho hay.

Với những lý do trên, Công ty Yên Khánh đề xuất, tuyến đường nối Đại lộ Đông Tây-cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương được đầu tư xây dựng sẽ phát huy được hiệu quả tuyến đường, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng gia tăng đồng thời hoàn chỉnh mạng lưới giao thông phía Tây Nam của Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết được tình trạng kẹt xe đang diễn ra tại các nút giao thông này, tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông tuyến cao tốc nhằm khai thác hết năng lực.

Bên cạnh đó, việc xây dựng tuyến đường kết nối Đại lộ Đông Tây với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương cũng là một trong những kiến nghị của Công ty Yên Khánh trong quá trình đàm phán Hợp đồng với Tổng Công ty Cửu Long về việc mua quyền thu phí tuyến cao tốc này./.

Bầu chọn
ABC