Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Đây là hướng dự kiến điều chỉnh hạn mức theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định, hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Dự thảo Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Đối tượng áp dụng là người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Dự thảo đề xuất, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.
Trước đó, theo quy định của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 sửa đổi, bổ sung liên quan, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được áp tối đa là 30 triệu đồng, rồi được nâng lên tối đa 50 triệu đồng áp dụng cho đến nay.
Như vậy, sau hơn chục năm với nhiều ý kiến và đề xuất, việc nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đã chính thức được đặt ra.
Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.