Vì sao Việt Nam chưa có ngân hàng bị phá sản?

Việc chưa có ngân hàng nào ở Việt Nam bị phá sản không phải xuất phát từ chỗ ngân hàng ở Việt Nam hoạt động quá hiệu quả mà là tư duy của chúng ta khác với tư duy ở một số quốc gia khác.
Vì sao Việt Nam chưa có ngân hàng bị phá sản?

Thứ nhất là tư duy “bảo bọc”. Ở đây là sự bảo bọc của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại, của “mẹ” đối với các “con” thông qua việc mua lại, cho sáp nhập, hợp nhất, xử lý theo các biện pháp hành chính nhằm “cứu” các ngân hàng bị thua lỗ.

Thứ hai, tư duy trên đã dẫn đến tư duy không chấp nhận rủi ro và tâm lý ỷ lại. Kiểu như “đứa con” cứ thoải mái trong hoạt động, còn những vấn đề “hậu sự” đã có người lo. Các ngân hàng nên tự chịu trách nhiệm về những thất bại trong kinh doanh của họ, chấp nhận sự phá sản nếu hoạt động không hiệu quả. Việc cho phá sản ngân hàng có tính tích cực là các ngân hàng sẽ cẩn trọng hơn trong hoạt động của mình.

Thứ ba, người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung có tâm lý chung là “dị ứng” với một số vấn đề thực tế trong cuộc sống, như ly hôn, viết di chúc, giải thể, phá sản... Theo nghiên cứu của bà Natalie Martin (giáo sư luật của Đại học New Mexico, công tác tại Viện Phá sản Hoa Kỳ) thì “Ở Nhật Bản sự sỉ nhục vì bị phá sản lớn đến nỗi người ta có thể tự sát”.

Thứ tư, người Việt Nam quan niệm phá sản là kết thúc, là chấm hết sự nghiệp kinh doanh. Theo bà Natalie Martin thì “trên thực tế, luật về phá sản của Hoa Kỳ được xây dựng để sao cho những người thất bại trong kinh doanh được khuyến khích tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh của mình”. Và “khả năng có thể bắt đầu lại công việc kinh doanh chính là động lực khiến cho một số người Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong kinh doanh, và đây là điều có lợi cho toàn bộ nền kinh tế”.

Lý giải tiếp theo cho tình hình trên là việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền vì quy định hiện hành về bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam thực sự chưa thỏa đáng. Theo quy định tại khoản 3, điều 1, Nghị định 109/2005/NĐ-CP và sau này Nghị định 68/2013/NĐ-CP đã kế thừa thì “Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền (một cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp luật) tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thuộc đối tượng quy định tại điều 3 của nghị định này, tối đa là 50 (năm mươi) triệu đồng”. Chính vì vậy, nếu ngân hàng phá sản, thiệt hại cho người gửi tiền sẽ rất lớn, kéo theo niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng, đối với Nhà nước bị sụt giảm.

Nếu việc thanh toán của tổ chức bảo hiểm tiền gửi được tiến hành ở mức bù đắp được phần lớn mất mát của người gửi tiền thì thiệt hại vật chất sẽ giảm đi đáng kể cũng như niềm tin của người gửi tiền sẽ không bị sụt giảm theo.

Có thể “lách” được sự giới hạn 50 triệu trên “tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi” bằng cách chia nhỏ khoản tiền của họ và đem gửi tại các ngân hàng khác nhau, để sao cho tổng tiền gửi và lãi phát sinh tại mỗi ngân hàng là không quá 50 triệu. Nhưng thử hỏi, trên thực tế đã có bao nhiêu người gửi tiền đã làm điều này?

Theo Nguyễn Kiên Bích Tuyền - TBKTSG