Đề xuất người nước ngoài được tự do mua bán nhà, lưu hành USD tại “đảo ngọc” Phú Quốc

VietTimes – Đây không là thông tin mới, mà rải rác đã xuất hiện từ nhiều tháng trước, nhưng lần này được tập hợp đầy đủ tại Đề án thành lập đặc khu Phú Quốc, và sử dụng làm tài liệu phục vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp từ ngày 23/10.
Nhiều đề xuất đột phá cho đặc khu Phú Quốc. Ảnh: TBKTVN

Theo đó, đề án do tỉnh Kiên Giang xây dựng xác định Phú Quốc sở hữu những ưu thế tuyệt đối về du lịch sinh thái, biển đảo, với lợi thế đặc biệt về dự trữ sinh quyển, có vị trí chiến lược trọng điểm, đủ tách biệt để thử nghiệm các chính sách mới ưu việt nhưng vẫn dễ dàng giao thương, tiếp cận với khu vực và thế giới.

Do đó, tỉnh Kiên Giang đề xuất phương án lập đặc khu Phú Quốc được thành lập trên cơ sở hiện trạng diện tích đất tự nhiên, dân số và kết cấu hạ tầng đô thị hiện hữu, trừ xã đảo Thổ Châu.

Đặc khu Phú Quốc có diện tích là 57.532,3 ha, dân số 24.762 hộ với 117.460 nhân khẩu với 9 khu hành chính.

Tuy nhiên, những đề xuất cụ thể của Kiên Giang về cơ chế cho đặc khu Phú Quốc mới là điều đáng chú ý. Và thực sự những đề xuất này có thể coi là đột phá, hoặc cũng có thể là gây sốc.

Cụ thể, tại đề án, tỉnh Kiên Giang đề xuất chính sách nhà ở cho phép người nước ngoài vào làm việc tại đặc khu (có thời gian hợp đồng từ 3 tháng trở lên) được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài (không bị giới hạn về điều kiện cư trú) được tự do mua bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu. Bao gồm nhà chung cư, nhà ở có sân vườn hoặc nhà liên kề, với thời hạn vĩnh viễn (đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự) hoặc thời hạn 99 năm đối với nhà chung cư.

Đồng thời, các dự án xây dựng nhà ở tại Phú Quốc cũng được để xuất hưởng chính sách ưu đãi đất đai và thuế cao nhất đối với các ngành nghề thuộc ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn (thuộc nhóm 200 tập đoàn hàng đầu thế giới) đặt trụ sở, chi nhánh tại đặc khu được miễn tiền thuê mặt bằng hoặc tiền thuê đất xây dựng trụ sở.

Đề án cũng đề xuất chính sách hỗ trợ tài chính nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, lao động người nước ngoài làm việc tại Phú Quốc được miễn cấp giấy phép lao động và miễn thuế thu nhập cá nhân. Lao động trong nước được hưởng mức lương tối thiểu vùng I (3.750.000 đồng/tháng trở lên), phụ cấp thêm 50% mức lương tối thiểu vùng, kèm theo là các phụ cấp khác như phụ cấp đặc biệt, phụ cấp khu vực, biên giới, hải đảo...

Bên cạnh đó, về tài chính, Kiên Giang đề xuất thành lập NHNN chi nhánh Phú Quốc và được NHNN Việt Nam ủy quyền xác nhận đăng ký các khoản giao dịch vốn cho người cư trú và người không cư trú theo qui định pháp luật về quản lý ngoại hối tại đặc khu.

Đặc biệt, bên cạnh VNĐ, Kiên Giang đề nghị cho phép USD được lưu hành tự do trong đặc khu, cho phép chuyển đổi tự do các đồng tiền khác sang USD.

Tỉnh kiên Giang cũng đề nghị cho phép thành lập các định chế, tổ chức ngân hàng, tài chính và thị trường chứng khoán, công ty bảo hiểm tại đặc khu Phú Quốc. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào ngân hàng, thành lập các ngân hàng đầu tư, thương mại tại đặc khu Phú Quốc.

Đề án cũng đề nghị cho phép người chơi bài tại dự án casino Phú Quốc được phép mang số tiền thắng bài ra nước ngoài hoặc ra khỏi đặc khu, sau khi nộp các khoản thuế theo quy định và khai báo Hải quan (có xác nhận của người quản lý casino về số tiền thắng), nhưng không cần giấy phép của NHNN.

Đáng chú ý, tỉnh Kiên Giang đề nghị cho phép các bên có liên quan trong hợp đồng có yếu tố nước ngoàii ký kết tại đặc khu Phú Quốc được lựa chọn bất kỳ hệ thống luật pháp của nước nào để giải quyết tranh chấp.

Trường hợp trong hợp đồng kinh tế không quy định cụ thể thì áp dụng luật pháp Việt Nam để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.