Ngày 6/3, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã nêu đề xuất "tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại".
Lý do, theo thuộc cấp của ông Thể - là ông Lương Duy Thống, Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục đường Bộ), thời gian qua, số lượng người báo mất và xin cấp lại giấy phép lái xe gia tăng nên cần nghiên cứu, chỉnh sửa quy định cho phù hợp. Mục đích là hạn chế tình trạng lợi dụng việc mất bằng lái xe, giả mất bằng để xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3.
Cách lý giải ấy, đáng nói, lại chưa đủ để thuyết phục dư luận.
Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) đồng tình với thực tế mà Bộ GTVT đã đưa ra, rằng đang có một bộ phận tài xế vi phạm, bị tạm giữ giấy phép lái xe, đục lỗ giấy phép lái xe nhưng không nộp phạt hành chính, khắc phục lỗi vi phạm; Thay vào đó, họ đến cơ quan đường bộ báo mất bằng để xin cấp lại.
"Nhưng những trường hợp như thế chỉ là số ít. Còn số người mất bằng lái vì rủi ro khách quan lại chiếm đa số", ông Đức nói.
Vị luật sư phân tích, nếu chỉ nhằm chống gian lận thì chưa hợp lý vì cơ quan quản lý nhà nước có thể tra cứu các vi phạm của tài xế qua hệ thống dữ liệu, dễ dàng biết được một công dân nào đó không có bằng lái do bị tạm giữ hay mất mát.
"Còn tư duy người dân phải thi lại nếu làm mất bằng là "đánh đồng", gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân cũng như không có căn cứ pháp lý. Việc sở hữu giấy phép lái xe cũng giống như tốt nghiệp đại học, đạt được chứng chỉ. Thi lại giấy phép lái xe chỉ trừ trường hợp người dân ốm đau bệnh tật, muốn nâng hạng xe. Chứ nếu bắt buộc họ thi lại theo đề xuất trên sẽ tạo thêm chi phí, tốn thời gian cho cả đơn vị tổ chức thi và người đi thi" - ông Đức chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư Hà Nội) - cho biết, pháp luật hiện hành quy định trường hợp bị thi lại giấy phép lái xe là giấy phép lái xe hết hạn sử dụng hơn 03 tháng mà không đổi đúng hạn, hoặc vi phạm Luật giao thông bị tước sử dụng.
Ngoài ra, có quy định nếu tài xế làm mất hồ sơ gốc thì phải thi lại giấy phép lái xe. Nhưng theo ông Quynh, cần bỏ quy định này, vì thực tế dữ liệu đã có trên hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước. "Chỉ cần áp dụng công nghệ thì cơ quan quản lý biết ngay hồ sơ, tình trạng của bằng lái đó như thế nào", ông nói.
Tương tự Luật sư Trương Thanh Đức, Luật sư Nguyễn Văn Quynh đánh giá, nếu quy định mất bằng lái xe thì phải thi lại sẽ vô hình chung tạo cho các cơ sở sát hạch tăng thêm phí và người mất bằng mất thời gian tăng chi phí xã hội.
Siết chặt việc đào tạo, cấp bằng lái xe Về công tác đào tạo sát hạch lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã tham mưu Chính phủ cuối năm 2018 ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe. Đây là loại hình đào tạo đặc biệt, cần xử lý nghiêm một số cơ sở đào tạo để bảo đảm các cơ sở khác phải có điều chỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ GTVT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an để liên kết, cung cấp thông tin, những trường hợp bằng giả, vi phạm. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, cũng đang yêu cầu các cơ sở thay đổi nội dung giảng dạy, tăng cường giám sát chất lượng giảng dạy, tăng cường kiểm tra các tình huống tập lái xe trên sa hình. Sẽ đề xuất quy định thí sinh vi phạm một số lỗi nghiêm trọng sẽ đánh rớt ngay như: Vượt đèn đỏ đường sắt hoặc vi phạm trên đường đèo. Theo số liệu Bộ GTVT nắm được của các cơ sở đào tạo bằng lái, cứ 100 người thi thì chỉ xét 58% trúng tuyển, còn hơn 40% phải thi lại lần 2, lần 3./. |