Theo đề xuất này, tất cả các loại vé qua trạm thu Km 2079+535 sẽ giảm từ 7% đến 15% so với mức giá hiện tại.
Cụ thể, mức giảm giá đối với các vùng này là giảm giá 100% đối với xe buýt; giảm 30-35% so với mức giá chung sau khi thực hiện giảm giá. cụ thể, xe loại 1 chỉ 20.000 đồng; loại 2 là 30.000 đồng; loại 3 là 50.000 đồng; loại 4 là 85.000 đồng; loại 5 còn 130.000 đồng.
Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng sẽ thu 30.000 đồng/vé lượt, 900.000 đồng/vé tháng và 2.430.000 đồng/quý. Mức thu hiện tại đối với phương tiện này là 35.000 đồng/lượt, 1.050.000 đồng/tháng và 2.835.000 đồng/quý.
Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn sẽ thu 45.000 đồng/lượt; 1.350.000 đồng/tháng và 3.645.000 đồng/quý, giảm mạnh so với hiện tại.
Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn cũng giảm xuống còn 70.000 đồng/lượt, 2.100.000 đồng/tháng và 5.670.000 đồng/quý.
Đối với xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng Container 20 fit, mức giảm giá lớn hơn. Mức thu lượt kiến nghị là 120.000 đồng/lượt; 3.600.000 đồng/tháng và 9.720.000 đồng/quý.
Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 feet sẽ thu 180.000 đồng/lượt, 5.400.000 đồng/tháng và 14.580.000 đồng/quý.
Bên cạnh đó, Tổng Cục đường bộ cũng đề xuất giảm giá đối với chủ sở hữu phương tiện có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính thuộc phạm vi giảm giá thuộc các xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang); phường Ba Láng (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ).
Danh sách phương tiện giảm giá UBND tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án trước ngày 15/12 tới.
Lý do Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo về việc giảm giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu giá Km 2079+535 là theo đề xuất của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án như trên (tại văn bản này), xem xét tỷ lệ chiết giảm doanh thu do xét đến xe ưu tiên, xe sử dụng vé tháng, vé quý theo đề nghị của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại Quận Cái Răng, của Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ do Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu hôm 6/12, nhiều cử tri đã lấy ví dụ trường hợp BOT Cai Lậy để liên hệ với BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp. Theo cử tri, chủ đầu tư chỉ cải tạo trên mặt đường quốc lộ 1 nhưng thu phí rất cao. Cử tri đề nghị thanh tra vào cuộc, làm rõ có lợi ích nhóm ở đây hay không.
Bên cạnh đó, cử tri yêu cầu BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp phải miễn phí 100% các phương tiện gần trạm thu phí trong bán kính 5-7km.
Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc lộ 1 người dân đang đi, chủ đầu tư cải tạo rồi đặt trạm thu phí nhưng không miễn giảm vùng lân cận là bất hợp lý. “Quốc hội đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tổng rà soát các quy hoạch về BOT, phải có giải pháp xử lý vướng mắc hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chủ đầu tư bỏ tiền ra xây dựng nhưng thu phí phải hợp lý, công khai cho dân biết. Có như vậy, dân mới đồng thuận.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đơn vị có liên quan triển khai nhanh việc miễn giảm cho các phương tiện tại trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 1683/QĐ-BGTVT ngày 28/7/2011. Tuy nhiên, do nguồn vốn NSNN khó khăn nên chưa triển khai dự án.
Để giải quyết khó khăn về vốn đầu tư xây dựng và đáp ứng yêu cầu phục vụ của tuyến QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp, Bộ GTVT đã có chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án, kêu gọi nguồn vốn tư nhân đầu tư dự án. Do vậy, ngày 10/7/2013, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp theo hình thức Hợp đồng BOT tại Quyết định số 1993/QĐ-BGTVT.
Ngày 18/7/2013, Bộ GTVT đã có Quyết định số 2090/QĐ-BGTVT phê duyệt kết quả chỉ định Nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhà đầu tư dự án là Liên danh Công ty TNHH Sản xuất & xây dựng Thi Sơn và Công ty cổ phần Thương mại và tư vấn đầu tư xây dựng công trình số 9.
Theo các Quyết định số 1683/QĐ-BGTVT và số 1993/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp có điểm đầu tại Km2978+317,73 (qua TP Cần Thơ) và điểm cuối tại Km2100 (qua tỉnh Hậu Giang) do Liên danh Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn - Công ty Cổ phần Thương mại và Tư vấn đầu tư xây dựng công trình số 9 đảm nhận thực hiện.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.836 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 02/8/2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Tổng chiều dài dự án là 21,6km.
Dự án có quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật: Về đường: với quy mô đường cấp III đồng bằng (TCVN 4054-2005), bề rộng nền đường Bnền=20,0m bao gồm: 4 làn xe cơ giới Bcg = 4x3,5m = 14m;2 làn xe thô sơ Bts=2x2,0m = 4m;lề đất Blđ = 2x0,5m = 1m; dải phân cách và dải an toàn Bgpc=1m. Riêng các đoạn qua đô thị, khu vực đông dân cư có xây dựng hệ thống thoát nước dọc, bó vỉa, bề rộng nền đường Bnền=22,6m. Về cầu: Tận dụng các cầu mới được xây dựng, đầu tư xây dựng thêm một đơn nguyên cầu bên cạnh cầu cũ có quy mô vĩnh cửu theo 22TCN 272-05 cho phù hợp với quy mô đường mở rộng.
Để hoàn vốn cho dự án, Nhà đầu tư được bắt đầu thu phí từ tháng 01/2016 (sau khi hoàn thành công trình, đưa vào khai thác); thời gian thu phí hoàn vốn dự án dự kiến khoảng 11 năm 3 tháng, tính từ ngày bắt đầu thu phí. Nhà đầu tư thực hiện công tác quản lý, khai thác sau khi hoàn thành công trình dự án và chuyển giao không bồi hoàn công trình dự án cho Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi hết hạn thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án./