Vì sao trẻ bị viêm loét dạ dày?
Bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ thường do vi khuẩn HP gây ra. Vi khuẩn này chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa.
Trẻ bị lây nhiễm vi khuẩn HP có thể do việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh, bát đũa rửa chưa sạch, không rửa tay trước khi ăn, gắp mớm thức ăn cho trẻ, cho trẻ ăn hàng quán…
Nên cho trẻ ăn gì khi bị viêm loét dạ dày?
Theo bác sĩ Đoàn Huy Cường, cách điều trị hiệu quả và ngăn chặn trẻ nhiễm vi khuẩn HP đó là phải ăn uống hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng giúp cho dạ dày được nghỉ ngơi, giảm tiết dịch vị, trung hòa acid, tạo điều kiện cho niêm mạc dạ dày nhanh hồi phục, vết loét nhanh liền sẹo và tránh tái phát.
Để đạt được mục tiêu này, cha mẹ nên cho trẻ sử dụng các loại thức ăn giảm tiết dịch vị, ví dụ các thực phẩm có chất ngọt, chất béo ít gây tiết dịch vị. Các loại thực phẩm có tính chất bọc, hút, thấm niêm mạc dạ dày, giúp giảm kích thích tiết dịch vị, trung hòa acid, ví dụ: sữa, gạo tẻ, bánh mỳ, bánh quy… cũng rất phù hợp với trẻ bị viêm loét dạ dày.
Trẻ còn có thể sử dụng thêm sữa, trứng - các thực phẩm giàu đạm có khả năng trung hòa acid; chất béo trong sữa, trứng có tác dụng ức chế tiết dịch dạ dày đồng thời làm tăng thời gian lưu thức ăn trong dạ dày.
Các thức ăn cho trẻ bị viêm loét dạ dày phải được chế biến mềm, nhừ hoặc cắt nhỏ, nghiền nhuyễn. Trẻ phải ăn chậm, nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày.
Bên cạnh đó, trẻ cần hạn chế hoặc không sử dụng các loại gia vị, thực phẩm gây kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị, ví dụ: ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạt, trái cây chua, sữa chua, dưa hành, dưa cà muối chua, nước dùng thịt, thức ăn lên men như mắm, tương, cháo; thịt nguội chế biến sẵn…
Không nên ăn nhiều thịt nạc, cá nạc và nước luộc thịt, cá vì gây tiết nhiều dịch vị, gây ảnh hưởng xấu tới vết loét dạ dày; hạn chế các thức ăn quay, rán vì có thể làm kích thích niêm mạc dạ dày; tránh dùng thức ăn sống, thô, cứng, nhiều chất xơ như gạo lứt, đậu đỗ, một số rau trái… trong thời gian đau dạ dày cấp tính.
Khi cần bổ sung chất xơ, cha mẹ nên chọn các loại rau có lá non, mềm, ví dụ: rau đay, rau mồng tơi, rau dền và hạn chế các loại rau sinh hơi gồm: súp lơ xanh, bắp cải, củ hành, cải hoa, dưa leo, tiêu xanh, bắp, củ cải, dưa cải…
Không nên để thức ăn nóng quá hay lạnh quá vì làm cho dạ dày co bóp mạnh. Nhiệt độ thức ăn, nước uống thích hợp là 40º - 50º C.
Trẻ bị đau dạ dày nên ăn như thế nào?
Cha mẹ nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, có thể ăn thêm các bữa phụ vào lúc 10h, 15h và 22h, vì ăn số lượng ít sẽ làm giảm sự căng dạ dày nên giảm tiết acid dạ dày. Không ăn quá nhiều canh cùng bữa cơm vì làm căng dạ dày gây tiết acid.
Trẻ nên ăn thường xuyên, đều đặn, không ăn quá no và không để bụng quá đói. Khoảng cách giữa các bữa ăn ngắn sẽ giúp dạ dày luôn có thức ăn để trung hòa acid và giảm đau.
Cha mẹ cũng nên tăng cường các chất béo từ cá (mỡ cá, cá mỡ) vì cung cấp nhiều acid béo thiết yếu và năng lượng cho cơ thể; tăng cường thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá…) giúp mau lành vết thương, vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.
Sau khi ăn xong, trẻ không nên chạy nhảy ngay, mà cần có chế độ nghỉ ngơi
Khi viêm loét dạ dày đã ổn định vẫn nên duy trì cho trẻ 2-3 bữa ăn phụ giữa các bữa ăn chính. Cha mẹ không để trẻ ăn quá no hoặc quá đói, chọn cho trẻ thức ăn mềm, tránh những thức ăn kích thích niêm mạc dạ dày và gây tăng tiết dịch dạ dày nói trên.
Ngoài ra, cha mẹ chú ý giúp trẻ ăn uống điều độ, đúng bữa, không nhịn đói, bỏ bữa; thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống tránh nhiễm vi khuẩn HP; tránh để trẻ bị căng thẳng nhiều, áp lực thi cử.
Khi sử dụng thuốc, hãy lưu ý với bác sĩ về tiền sử bệnh của trẻ để được dùng thuốc phù hợp và cho trẻ uống thuốc sau khi đã ăn no.