Theo cơ quan dự thảo, trong xử lý vụ việc, căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, các cơ quan điều tra, viện kiểm sát (VKS), tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
Về yêu cầu, bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Đồng thời cam đoan không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân của những người này.
Nếu thực hiện không đúng những yêu cầu này, bị can đã nộp tiền để tại ngoại sẽ bị tạm giam trở lại, đồng thời số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
Theo dự thảo, thời hạn đặt tiền để tại ngoại của bị can, bị cáo không được dài hơn thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử. Nếu bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan này thìđược trả lại số tiền đã đặt.
Mức tiền đặt để được tại ngoại xác định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và khả năng tài chính của bị can, bị cáo.
Dự thảo đề xuất với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền phải đặt để tại ngoại là 30 triệu đồng, với tội phạm nghiêm trọng là 100 triệu đồng; tội phạm rất nghiêm trọng mức đặt 200 triệu đồng để tại ngoại.
Mức tiền phải nộp để tại ngoại này có thể giảm, nếu bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân hoặc được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, của gia đình được tặng bằng “Gia đình có công với nước, người dưới 18 tuổi, tâm thần, người đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.