Đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia: Lo nhiều hơn

Nhiều môn khó quá, đó là nhận định của các học sinh ở Hà Nội và TP.HCM sau khi giải các đề thi THPT quốc gia minh họa.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM trong lần nghe hướng dẫn ghi hồ sơ dự thi THPT quốc gia - Ảnh: Như Hùng

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM trong lần nghe hướng dẫn ghi hồ sơ dự thi THPT quốc gia - Ảnh: Như Hùng

Tuổi Trẻ đã ghi nhận lại các ý kiến này.

Em thấy đề thi môn tiếng Anh tương đối hợp lý vì phần viết luận có chủ đề mà học sinh chúng em đang quan tâm, nội dung đề thi cũng có câu hỏi yêu cầu vận dụng tiếng Anh vào trong cuộc sống... Em rất thích yếu tố này vì đề thi đã đưa môn học gần gũi hơn với thực tế, với đời thường
TRẦN THỊ NHÃ ĐOAN
(học sinh lớp 12A2 Trường THPT Thái Bình, TP.HCM)

Môn văn sợ không đạt điểm 5

Nỗi lo này là phổ biến đối với khá nhiều học sinh học ban A, những học sinh thuộc tốp trường trung bình ở Hà Nội.

Em Nguyễn Hoài Anh, học sinh Trường THPT Đống Đa (Hà Nội), cho biết: “Đọc đề minh họa, choáng nhất là môn văn. Mặc dù cấu trúc đề thi năm trước đã có phần đọc hiểu nhưng phần đọc hiểu ở đề minh họa dài và quá khó. Đề thi đề cập kiến thức quá rộng. Với đề thi như thế này, học sinh trung bình khó có thể đạt điểm 5”.

Cũng chia sẻ về môn văn, Nguyễn Phương Anh, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), nói: “Là học sinh học chắc nhất môn văn trong số các môn dự kiến đăng ký dự thi, em thấy đề văn minh họa là một đề hay, có cách hỏi mới mẻ nhưng so với đề thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2014, đề thi minh họa khó hơn nhiều.

Với thời gian thi và đề thi như thế này, việc hoàn thành tất cả câu hỏi một cách trọn vẹn không đơn giản. Đề thi cần phân hóa nhiều hơn nữa, trong đó nhiều câu hỏi bám sát kiến thức cơ bản hơn để học sinh chỉ có nguyện vọng sử dụng kết quả môn văn để xét tốt nghiệp có khả năng đạt yêu cầu”.

Còn Nguyễn Kiều Dung, học sinh lớp 12AN2 Trường THPT Giồng Ông Tố (TP.HCM), cho biết: “Cô giáo dạy văn vừa cho chúng em làm thử đề thi mẫu môn văn vào sáng 1-4. Khi mới đọc đề, em rất bối rối và bất ngờ vì câu 1 quá dài. Tuy nhiên, khi làm bài thì thấy không quá khó, chỉ có điều là viết ra mất quá nhiều thời gian. Em đã mất hơn 40 phút mới xong câu 1”.

Đồng tình với ý kiến này, Võ Trần Bình Minh, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Thái Bình (TP.HCM), nói: “Khi đọc đề lần đầu, em cảm thấy choáng với câu 1 vì nó quá dài. Bây giờ khi bình tĩnh lại, em đoán rằng các thầy cô ra đề muốn học sinh phải chú trọng nhiều hơn đến khả năng đọc - hiểu nên ra đề theo dạng như vậy. Em nghĩ từ nay trở đi mình cần trau dồi thêm kiến thức về tiếng Việt để đáp ứng yêu cầu này”.

Tương tự, nhiều học sinh lớp 12 ở huyện Bình Chánh cho rằng câu hỏi nghị luận văn học ra theo dạng so sánh đòi hỏi thí sinh phải am hiểu vấn đề, kiến thức văn học phải rộng và sâu thì mới làm tốt được. Dạng đề này chỉ phù hợp với những học sinh giỏi văn, học sinh có mục tiêu dự thi tuyển sinh vào ĐH khối C, khối D.

Toán khó có điểm giỏi

Nhiều học sinh ban A của các trường Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn (Hà Nội) đều nhận xét “đề toán, lý khó”. Theo bạn Nguyễn Thu Hương - học sinh trường này, đề toán minh họa có những câu hỏi khó và ra phần kiến thức không có trong đề thi các năm trước nên thầy cô thường không ôn kỹ, học sinh dễ bỏ qua không ôn tập.

Ngọc Anh, học sinh Trường Lê Quý Đôn (Hà Nội), cho biết câu hỏi bất đẳng thức trong đề thi toán minh họa quá khó so với các năm trước nên cả những học sinh giỏi toán cũng “choáng”. Nếu đề thi sẽ ra với độ khó như thế này thì cả những học sinh giỏi toán cũng chật vật mới có thể đạt điểm 7, 8.

Tương tự, một số học sinh khác của Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cũng băn khoăn: “Trước đây đề thi toán khối D bao giờ cũng dễ hơn khối A, B nhưng với đề thi THPT quốc gia thì thí sinh đều thi chung một đề. Vì thế với độ khó của đề thi minh họa, chúng em rất lo lắng. Học ban D chỉ ở mức khá thì có lẽ cố gắng cũng chỉ đạt điểm 6 với một đề thi như thế này”.

Cùng cho rằng đề toán năm nay sẽ khó đạt điểm cao, Huỳnh Kim Ngân, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Thái Bình (TP.HCM), nhận định: “Đề thi mẫu môn toán của Bộ GD-ĐT có một số câu hỏi tương tự đề thi tuyển sinh ĐH năm trước. Nhưng nó không dễ tí nào, nhất là những câu hỏi thuộc phần kiến thức của chương trình lớp 10, 11. Chỉ có những câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 12 thì dễ giải quyết hơn”.

Nhóm học sinh Hằng, Mai, Lựu, An đang luyện thi khối A ở một trung tâm luyện thi còn đặt câu hỏi: “Tụi em rất thắc mắc rằng tại sao những câu hỏi khó không rơi vào phần kiến thức lớp 12 mà lại rơi vào kiến thức lớp 10, 11? Điều này gây bất lợi cho thí sinh vì không phải bạn nào cũng ôn cả chương trình lớp 10, 11. Thường thì học sinh lớp 12 tụi em sẽ nhớ kiến thức lớp 12, còn lớp 10, 11 thì chỗ nhớ chỗ quên”.

Nhóm học sinh này còn dự đoán điểm thi toán năm nay sẽ thấp hơn năm trước vì đề có những câu hỏi rất “lạ”, học sinh chưa gặp bao giờ.

Sử, địa, lý dễ xét tốt nghiệp, khó xét ĐH

Những học sinh ở Hà Nội nhận xét về đề minh họa hai môn sử, địa đều cho rằng để đạt yêu cầu công nhận tốt nghiệp thì không khó, nhưng để đạt điểm đủ cạnh tranh vào ĐH cũng không dễ.

Ngọc Linh, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội), cho biết: “Em dự định thi khối C nên đã đầu tư học kỹ môn sử. Em thấy mặc dù đề thi không quá khó và không nằm ngoài chương trình THPT nhưng cách hỏi có đổi mới nên nếu chỉ học thuộc lòng một cách máy móc sẽ khó đạt điểm tốt. Cả bốn câu hỏi trong đề thi đều hướng tới việc yêu cầu học sinh vận dụng kỹ năng chọn lọc kiến thức, khái quát, so sánh, nêu ý kiến nhận định. Vì thế nếu học mà không hiểu sẽ khó có điểm cao”.

Tương tự với đề địa lý, Nguyễn Phương Anh, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), cũng cho rằng: “Để đạt điểm 5 để xét tốt nghiệp không khó vì chỉ riêng câu hỏi được phép tra cứu Atlat đã được 2 điểm. Nhưng muốn đạt điểm cao để xét tuyển ĐH, các bạn thi ban C sẽ phải làm quen nhiều hơn với các dạng câu hỏi yêu cầu chứng minh một nhận định nào đó trên cơ sở kiến thức đã học hay so sánh, phân tích trên cơ sở số liệu có sẵn”.

Nhận xét về đề vật lý, một số học sinh ban A của Trường Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết với đề thi minh họa môn vật lý, để đạt yêu cầu xét tốt nghiệp thì không quá khó vì có khoảng 50% câu hỏi sát kiến thức cơ bản, môn thi lại theo hình thức trắc nghiệm nên học sinh sẽ dễ đạt điểm 5-6.

Nhưng với những học sinh muốn có điểm tốt hơn để xét tuyển vào ĐH, nhất là muốn đăng ký vào các trường tốp cao thì không dễ dàng vì có khoảng 20-25% số câu hỏi rất khó.

Lo lắng với đề hóa

“Em đã tải đề thi mẫu môn hóa trên mạng xuống để giải thử. Nếu như đề thi tuyển sinh ĐH môn hóa khối B của năm trước rất khó khăn mới có thể đạt được 6 điểm thì với đề thi mẫu, em tự thấy mình dễ dàng đạt được điểm số này” - Phan Thị Thùy Dương, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Gia Định, TP.HCM, kể.

Tuy nhiên, nhiều học sinh lớp 12 ở Trường THPT Thủ Đức lại cho rằng: “Đề thi quá khó so với đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước. Khi mới đọc đề tụi em rất sốc vì nhiều câu rất khó, nên không thể giải được”. Theo những học sinh này, đề thi mẫu môn hóa nên dành cho học sinh dự tuyển vào ĐH hơn là thi tốt nghiệp THPT.

Ngay cả Phan Thị Thùy Dương đã xác định mục tiêu sẽ dự thi vào ĐH bằng các môn thuộc khối B từ đầu năm học, Dương đã dành nhiều thời gian để rèn luyện môn hóa, kể cả việc đi học thêm: “Nhưng em thấy những câu hỏi thuộc dạng phân loại trong đề thi mẫu quá khó, có cả những câu đánh đố thí sinh. Sau 90 phút, còn một số câu em giải chưa được đành đánh đại (đề hóa ra theo dạng trắc nghiệm). Nói chung, em rất lo lắng với đề thi năm nay. Giải thử đề thi môn hóa em chỉ được 7 điểm, trong khi các ngành tuyển khối B đều lấy điểm chuẩn rất cao”.

Theo: Tuổi Trẻ