Đề nghị tuyên cựu Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình chịu 4 - 5 năm tù

VietTimes -- Đại diện VKS đã đề nghị mức án này đối với cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - ông Đặng Thanh Bình - tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", gây thất thoát 15.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Cựu Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình. Nguồn: VNE

Phiên xét xử sơ thẩm này đã tiến hành từ ngày 25/6 tại Tòa án nhân dân TP.HCM và kéo dài tới hôm nay (27/6). Cùng ra tòa trong tư cách bị can với cựu Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình còn có 4 bị can khác trong tổ giám sát của NHNN tại VNCB giai đoạn 2012 - 2016, những bị can này cũng đều bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài việc đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Đặng Thanh Bình từ 4 đến 5 năm tù, đại diện VKS cũng đề nghị tuyên bị cáo Hà Tấn Phước - nguyên tổ trưởng Tổ Giám sát NHNH, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Long An – từ 30 đến 36 tháng tù. Đề nghị tuyên bị cáo Phạm Thế Tuân - nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh TP.HCM - từ 30 đến 36 tháng tù, đề nghị tuyên bị cáo Lê Văn Thanh  - nguyên chánh Thanh tra NHNN tỉnh Long An - từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù, đề nghị tuyên bị cáo Ngô Văn Thanh - nguyên Phó Phòng Kiểm tra, giám sát tuân thủ Ngân hàng Vietcombank Long An – từ 24 đến 36 tháng tù.

Ngoài việc đề nghị tuyên các bị cáo chịu án tù như trên, VKS đề nghị miễn trách nhiệm dân sự của các bị cáo này. Bên cạnh đó, VKS đề nghị cần làm rõ vai trò của lãnh đạo NHNN, cơ quan Thanh tra NHNN, cùng nhiều cá nhân khác có liên quan trong vụ án.

Trước đó, trong qua trình xét hỏi, thẩm vấn tại tòa, các bị cáo đều khẳng định đã làm đầy đủ trách nhiệm giám sát hoạt động của VNCB, khi phát hiện sai phạm của VNCB đều đã báo cáo và kiến nghị lãnh đạo NHNN có biện pháp chấn chỉnh.

Tuy nhiên, các bị cáo thừa nhận đã không quyết liệt trong giám sát, theo dõi các cáo và đôn đốc lãnh đạo để có biện pháp mạnh hơn, giải quyết vụ việc kịp thời hơn.

Mặt khác, nhiều giao dịch VNCB thực hiện chuyển tiền ra khỏi ngân hàng, nhưng đến cuối ngày Tổ Giám sát mới phát hiện. Và nếu như lệnh chuyển tiền là vào thứ sáu, thì đến thứ hai tuần sau mới phát hiện trên phần mềm kế toán. Điều này khiến hoạt động của tổ giám sát khó khăn hơn.

Bị cáo Hà Tấn Phước trình bày cho biết khi nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Giám sát đã có nhiều văn bản khuyến cáo, báo cáo đề nghị Thống đốc NHNN có biện pháp và đặt ngân hàng vào diện kiểm soát đặc biệt.

Tự bào chữa trước tòa, cựu Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình nói tự hào khi cùng những thành viên trong tổ giám sát tại VNCB tham gia tái cơ cấu ngân hàng này với động cơ hết sức trong sáng.

"Thời buổi lúc bấy giờ lãi suất liên ngân hàng rất cao, có thể lên đến 30%. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng đủ để gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta thực hiện tái cơ cấu trong hoàn cảnh không có quy định cụ thể, và chúng ta không hề có sự chuẩn bị cũng như kinh nghiệm trong quá trình tái cơ cấu" – ông Bình nói.

Ông Bình cho biết, giai đoạn 2012, ông được lãnh đạo NHNN giao nhiệm vụ và điều động vào TP.HCM. Khi ấy, ông đánh giá đó là nhiệm nhiệm vụ khó khăn nhưng rất vinh dự. Tuy nhiên, "không phải nhiệm vụ chúng ta ai cũng có thể làm tốt được" – cựu Phó thống đốc nói trong cảm xúc cá nhân ông.

Cáo trạng vụ án, ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có VNCB.
Cáo trạng vụ án, ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có VNCB.
Tháng 8/2012, ông Bình đã ký tờ trình gửi Chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương.
Theo đó, xuất phát từ thực trạng của một số ngân hàng thương mại, trong đó có VNCB và thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc củng cố lại VNCB, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã có tờ trình về việc củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại ngân hàng này.
Ông Đặng Thanh Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.
Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt, mọi giao dịch trên 5 tỷ đồng phải có sự đồng ý của tổ giám sát.
Tuy nhiên, ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh.
Từ đó, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.
Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao. Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 15.000 tỷ đồng.
Không chỉ ông Đặng Thanh Bình thiếu trách nhiệm trong việc giám sát và tái cơ cấu VNCB, mà một số thành viên tổ giám sát do ông Bình ký quyết định thành lập cũng có những hành vi sai phạm trong thực thi công vụ.
Cụ thể, các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh thuộc tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB được giao nhiệm vụ, quyền hạn và chủ động tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm và yêu cầu ngân hàng này báo cáo, cung cấp tài liệu, làm việc với mọi cán bộ có thẩm quyền, đối chiếu trực tiếp với khách hàng, chủ nợ, đối tác…
Trong quá trình điều tra, bị can Hà Tấn Phước khai nhận sẽ chịu trách nhiệm chính với những gì đã xảy ra tại VNCB trong thời gian ông làm tổ trưởng.
Trong khi đó, bị can Lê Văn Thanh thừa nhận do năng lực hạn chế, công việc phức tạp lại không hiểu hết được ý đồ và thủ đoạn của Phạm Công Danh... nên đã không kịp thời và không quyết liệt trong phát hiện và xử lý những việc đã xảy ra, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Còn bị can Phạm Thế Tuân khai rằng được phân công giám sát đối với những giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên. Khi ông Tuân phát hiện ra sai phạm của VNCB, tổ giám sát có báo cáo NHNN nhưng việc báo cáo chưa kịp thời và kiến nghị chưa đầy đủ, tổ giám sát chưa thực hiện hết thẩm quyền theo quy định.
Bị can Ngô Văn Thanh cũng được phân công giám sát các khoản vay trên 5 tỷ đồng, nhưng do ngân hàng cố tình không báo cáo nên ông Thanh không giám sát được.
Trong khi các bị can thuộc tổ giám sát thừa nhận có sai nhưng đổ cho năng lực yếu kém thì bị can Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc NHNN, lại không thừa nhận sai phạm là trách nhiệm của mình.
 
Trước đó, ngày 08/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã Quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, sinh năm 1954, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự.
Được biết, ông Bình có thâm niên hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng. Tháng 5/2005, ông Bình được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tháng 7/2010, theo quyết định 1087/QĐ-TTg của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Đặng Thanh Bình được bổ nhiệm lại chức vụ Phó Thống đốc NHNN Việt Nam.
Ngày 16/7/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã ký quyết định số 1567/QĐ-NHNN giao ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc NHNN kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).