Kết quả thực hiện thí điểm, theo đánh giá của Chính phủ là đã đạt được một số mục tiêu yêu cầu đề ra, tiết kiệm được nhiều khoản chi phí hành chính. Tuy nhiên Chính phủ vẫn đề nghị chấm dứt thí điểm.
Không bỏ đi quyền hạn
Theo Chính phủ thì khi thực hiện thí điểm các nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân huyện, quận, phường về thực hiện quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân, quyết định những vấn đề quan trọng và thực hiện quyền giám sát ở địa phương không phải bỏ đi, mà đã được điều chuyển hợp lý cho hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm.
Quyền đại diện của nhân dân cơ bản được bảo đảm, Chính phủ đánh giá.
Bên cạnh đổi mới tiếp xúc cử tri, việc thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân còn được bảo đảm bằng các hình thức như: tổ chức tiếp công dân, trao đổi và đối thoại trực tiếp với nhân dân; gửi các kiến nghị, đề xuất của nhân dân đến các cơ quan…, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình - người ký báo cáo - giải thích thêm.
Quyền đại diện vẫn được bảo đảm, theo Chính phủ còn thể hiện ở các con số cụ thể qua kết quả điều tra thăm dò dư luận xã hội cho thấy nhân dân tại những nơi thực hiện thí điểm.
Khi 53% số người được hỏi cho rằng từ khi thực hiện thí điểm đến nay, chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến ý chí và nguyện vọng của nhân dân, số ý kiến cho rằng sự quan tâm vẫn như trước chiếm 37% và 5% nhận định sự quan tâm kém hơn trước .
Tính ổn định, tính tinh gọn của bộ máy và tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành từ cơ quan hành chính cấp trên đối với cơ quan hành chính cấp dưới từ năm 2009 đến năm 2012 tại những nơi thực hiện thí điểm cũng được thể hiện qua các con số.
Theo đó, số người được hỏi đánh giá theo chiều hướng tốt hơn trước chiếm từ 55% đến 61% số ý kiến đánh giá vẫn như trước chiếm từ 24% đến 35%, số ý kiến đánh giá kém hơn trước chiếm 4%, báo cáo nêu con số cụ thể.
Mới và phức tạp
Trước khi nêu đề xuất, kiến nghị của Chính phủ, Bộ trưởng Bình dẫn lại khẳng định của Ban Chấp hành Trung ương: đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, khó, phức tạp, ý kiến còn khác nhau cho nên phải tiến hành một cách thận trọng, từng bước vững chắc và đặt trong tổng thể việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị.
Trên cơ sở đó, Trung ương đã thống nhất phương án tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, điều 110 Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Thực hiện định hướng này, Chính phủ đề nghị quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương nội dung “chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận phường”.
Chính phủ cũng kiến nghị hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo phương án tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở tất cả các đơn vị hành chính để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Điều này nhằm tạo sự chủ động cho việc kiện toàn nhân sự khi tiến hành Đại hội đảng các cấp ở địa phương nhiệm kỳ 2015 – 2020, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, theo báo cáo.
Kiến nghị tiếp theo được nêu là phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tại các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Đồng thời làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò, trách nhiệm của tập thể ủy ban nhân dân và cá nhân chủ tịch ủy ban nhân dân theo hướng đề cao vai trò của chức danh này.
Chính phủ cũng kiến nghị đổi mới vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều chỉnh nhiệm vụ, tổ chức của cấp ủy Đảng, thực hiện chủ trương người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đảng đồng thời giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền địa phương.
Theo VnEconomy