|
Rùa Hồ Gươm trong một lần nổi lên khỏi mặt nước |
Trao đổi với VTC News, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết dù đang công tác trong TP.HCM nhưng vẫn nắm được thông tin rùa Hồ Gươm đã chết chiều qua 19/1. Hiện tại, người dân Hà Nội cũng đang rất quan tâm đến sự việc này.
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng cho rằng loài vật này đã trở thành biểu tượng của Hồ Gươm hàng trăm năm qua. Vì vậy, TP Hà Nội có thể đưa rùa trên hồ Đồng Mô về thả tại Hồ Gươm vì “Hồ Gươm không thể thiếu rùa”.
Lý giải về ý kiến này, GS Dũng cho rằng cá thể rùa Đồng Mô cũng giống với rùa Hồ Gươm nên hoàn toàn phù hợp.Trước đó, năm 2012,Giám đốc Chương trình rùa châu Á, ông Douglas Hendrie khẳng định với VTC News đã làm xét nghiệm AND rùa Đồng Mô tại Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật và kết quả xét nghiệm cho thấy rùa Đồng Mô cùng loài với rùa Hồ Gươm.
Tiêu bản rùa khổng lồ trong đền Ngọc Sơn
Trong khi đó, trả lời câu hỏi liệu có nên ướp xác rùa Hồ Gươm, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Phải ướp xác rùa Hồ Gươm để ở đền Ngọc Sơn vì đây là di sản quốc gia. Rùa Hồ Gươm còn gắn liền với truyền thuyết Lê Lợi trả gươm báu”.
Tối 19/1, PGS Hà Đình Đức, người có khoảng 20 năm nghiên cứu về rùa ở Hồ Gươm cho hay đã được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gọi điện báo tin sự việc.
Theo PGS Đức, lần cuối cụ rùa nổi lên là từ 10h đến 12h ngày 21/12/2015. Ở lần nổi này, mai cụ rùa vẫn bóng nhẫy, trơn mượt.
Cũng theo ông Đức, năm 2015 số lần cụ rùa hồ Gươm nổi lên mặt nước khá ít. Tháng 11 nổi hai lần, tháng 12 nổi một lần. Trung bình mỗi tháng cụ rùa nổi vài lần, thấp hơn hẳn nhưng năm trước, trung bình một tháng nổi khoảng chục lần.
Khi hỏi liệu có ướp xác rùa Hồ Gươm hay không, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho hay: "Trước mắt, sẽ đưa xác cụ rùa về đền Ngọc Sơn để bảo quản. Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ hội ý".
Hiện tại, các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đã được triệu tập để bàn cách giải quyết, trong đó sẽ xin ý kiến các nhà khoa học về việc bảo quản xác cụ rùa.
Rùa Hồ Gươm được các nhà khoa học quốc tế xếp vào loài "giải sin hoe", có tên khoa học Rafetus swinhoei. Đây là loài rùa đặc biệt quý hiếm, nếu tính cả rùa Hồ Gươm thì hiện chỉ còn tồn tại 4 cá thể trên toàn thế giới.
Ngoài rùa Hồ Gươm, trong 3 cá thể giải sin hoe còn sống được ghi nhận có 2 cá thể được nuôi trong vườn thú tại Trung Quốc. Cá thể còn lại hiện đang sống ở Đồng Mô, Hà Nội. Như vậy, chỉ còn duy nhất một "hậu duệ" của rùa Hồ Gươm đang sống ở Việt Nam.
Nếu tính thêm các loài cùng họ rùa mai mềm, ở Việt Nam còn một số loài khác bao gồm: Giải (Pelochelys cantorii), ba ba trơn (Pelodiscus sinensis), ba ba gai (Palea steindachneri), và ba ba Nam Bộ (Amyda cartilaginea, còn gọi là cua đinh).
Rùa Hồ Gươm, tức giải sin hoe thường bị nhầm lẫn với giải thường và các loại ba ba khác. Đặc điểm nhận dạng loài giải sin hoe nằm ở cái mũi ngắn, mai nhẵn, đầu có các đốm màu vàng, dọc rìa trước mai không có các nốt sần.
Trong Sách hướng dẫn thi hành luật về định dạng các loài rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam xuất bản năm 2010, các tác giả lưu ý loài giải sin hoe có ý nghĩa quan trọng về mặc bảo tồn. Mọi hoạt động săn bắt, buôn bán, sở hữu trái phép loài rùa này và các bộ phận cơ thể của rùa đều bị nghiêm cấm.
T H