Đề nghị đầu tư 1.670 tỉ đồng để bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Số tiền trên được đưa ra trong đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, do UBND tỉnh Quảng Nam trình Bộ VH-TT&DL.

Một góc đô thị cổ Hội An (Quảng Nam)
Một góc đô thị cổ Hội An (Quảng Nam)

Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 vừa được UBND tỉnh Quảng Nam gửi Bộ VH-TT&DL tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo đề án, Di sản Văn hóa Thế giới đô thị cổ Hội An gồm: Di sản văn hóa vật thể, hiện vật; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu; các thiết chế văn hóa; các cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng; cộng đồng di sản.

Đề án thực hiện trên phạm vi địa bàn TP Hội An (trọng tâm là khu phố cổ Hội An) và một số khu vực của các địa phương lân cận địa bàn TP Hội An có quan hệ đến hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An theo đúng nguyên tắc bảo tồn tính chân xác; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, theo phương châm “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn”.

vt-hoi-an-mung-4-tet-31-5290.png
Du khách đến tham quan phố cổ Hội An

Mục tiêu của đề án là bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản; đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội; góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh; Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử - văn hoá và giá trị đương đại của di sản. Giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và phát huy tầm quan trọng, các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu phố cổ Hội An.

Gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng di sản, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của một “Di sản sống”. Đảm bảo về cơ cấu luật pháp, hành chính và tài chính phù hợp; hình thành các cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho di sản để đạt được các mục tiêu đề ra.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2030, 100% di tích đã được xếp hạng xuống cấp được trùng tu, tôn tạo; 100% di sản văn hoá phi vật thể và di sản tư liệu có giá trị được nhận diện, kiểm kê, quản lý bằng hồ sơ khoa học và bảo tồn, phát huy giá trị; 100% di tích đã xếp hạng, nằm trong danh mục bảo vệ có phương án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị; 100% thiết chế văn hóa (bảo tàng, nhà hát, điểm dừng chân, thư viện, phòng trưng bày truyền thống, …) được đầu tư, nâng cấp; 100% di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn phi vật thể quốc gia; các di tích xếp hạng được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số…

vt_hoi an 9.jpg
Chùa Cầu, Hội An

Đến năm 2035, bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An; hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ của Di sản Văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An; 100% di sản văn hóa vật thể, hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được bảo tồn và phát huy tốt giá trị; nguồn lực về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ đảm bảo đáp ứng yêu cầu để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, kinh phí đối với các nhiệm vụ đã được phê duyệt, nguồn kinh phí đã và sẽ được phân bổ trong các kế hoạch, chương trình phát triển của TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và của Trung ương.

Kinh phí đối với các nhiệm vụ chưa được phê duyệt thực hiện dự án thành phần giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035, dự toán là 1.670 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của Trung ương, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An là 1,29 tỉ đồng; nguồn chi thường xuyên của tỉnh Quảng Nam và TP Hội An là 180 tỉ đồng; nguồn vốn tài trợ, ODA là 200 tỉ đồng.

TP Hội An là một trong 18 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Nam; nằm bên bờ Bắc hạ lưu sông Thu Bồn, cách quốc lộ 1A khoảng 9 km về phía Đông, cách TP Đà Nẵng 25 km về phía Đông Nam, cách TP Tam Kỳ (tỉnh lỵ Quảng Nam) 50 km về phía Đông Bắc.

Hội An có tổng diện tích tự nhiên là 6.171,25 ha; phần đất liền có diện tích 4.850 ha (chiếm 73,50%), trong đó diện tích đất 3.669 ha và diện tích mặt nước 1.180,3 ha. Cách đất liền 15 km là xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), bao gồm nhiều hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 1.654 ha (chiếm 26,50% tổng diện tích tự nhiên toàn TP Hội An).

Do có đặc điểm địa lý thuận lợi nên trên vùng đất Hội An ngày nay đã xuất hiện những lớp cư dân đầu tiên thời tiền - sơ sử mà những di tích văn hóa Sa Huỳnh là chứng cứ sinh động. Dưới thời vương quốc Champa (thế kỷ thứ II đến thế kỷ XIV) vùng đất Hội An lúc bấy giờ có tên gọi là Lâm Ấp phố. Nhiều thư tịch cổ ghi nhận đã có một thời kỳ khá dài, “Chiêm cảng” Lâm Ấp phố đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong việc tạo nên sự hưng thịnh của kinh thành Trà Kiệu và trung tâm tôn giáo - tín ngưỡng Mỹ Sơn.

Giữa thế kỷ XVI, dưới thời các chúa Nguyễn vào trấn thủ Đàng Trong, từ một “Chiêm cảng” bị suy tàn, Hội An mau chóng phục hưng và trở thành trung tâm thương mại quốc tế thịnh đạt bậc nhất của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Do có vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng của một xứ Quảng giàu tài nguyên, dồi dào đặc sản, nguồn nhân lực tràn đầy sinh khí, chính sách ngoại kiều và ngoại thương khôn khéo, thoáng mở… nên cảng thị Hội An đã tạo nên một hấp lực lớn, thu hút nhiều thuyền buôn của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm… tập nấp đến giao thương.

Từ cuối thế kỷ XIX, do nhiều yếu tố bất lợi, “cảng thị thuyền buồm” Hội An suy thoái dần, nhường vị thế trung tâm thương mại quốc tế cho “cảng thị cơ khí” Đà Nẵng. Tuy nhiên, Hội An vẫn là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của Quảng Nam. Trong các thời kỳ kháng chiến, thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ đều chọn Hội An làm tỉnh lỵ, đặt nhiều cơ quan đầu não chính trị, quân sự của tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, TP Hội An có 9 phường (gồm 55 khối phố) và 4 xã (gồm 22 thôn). Theo kết quả thống kê năm 2022, dân số toàn TP có 100.503 người; trong đó, dân số thành thị 75.030 người, dân số nông thôn 25.533 người. Hội An cũng là nơi có cộng đồng người Hoa định cư làm ăn sinh sống từ bao đời nay, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hội An.

Đến nay, Hội An đã có 6 di sản được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 6 nghệ nhân được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trên lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Nhiều loại hình di sản đã và đang có nguy cơ mai một được đầu tư phục hồi, duy trì. Các làng nghề bảo tồn được cảnh quan, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm xây dựng phương án bảo tồn và phát huy gắn với tham quan du lịch đạt kết quả tốt; nghề thủ công truyền thống, kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, văn hóa ẩm thực đặc sắc,… cũng được nâng tầm và trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách…