Để hiểu thực lực Triều Tiên nhất định phải đọc bài viết này (II)
VietTimes -- Triều Tiên chắc chắn có sở hữu một số lượng lớn các loại tên lửa và đã thử thành công bom hạt nhân. Nhưng liệu nước này có sở hữu các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác?
(tiếp theo kỳ trước)
Liệu Triều Tiên có sở hữu các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác?
Người ta tin rằng Triều Tiên có sở hữu một kho vũ khí hóa học bao gồm khí mù tạt, clor, phốtgen, sarin và chất độc thần kinh VX. Theo các báo cáo, Triều Tiên "có khả năng sản xuất các chất gây nhiễm độc thần kinh, máu, gây bỏng da và sốc" và dự đoán nước này có khoảng 2.500 tới 5.000 tấn vũ khí hóa học. Các chất độc thần kinh này có thể bắn từ các vũ khí thông thường như đạn cối, rocket và tên lửa.
Quân đội nhân dân Triều Tiên cũng được huấn luyện để chuẩn bị cho các trận chiến tiềm tàng trong môi trường bị nhiễm độc. Cũng có báo cáo về việc Triều Tiên đã nhận được sự trợ giúp từ sớm của Liên Xô và Trung Quốc khi phát triển chương trình vũ khí hóa học.
Chất độc thần kinh VX có độ mạnh gấp 10 lần chất Sarin.
Triều Tiên được cho là cũng sở hữu vũ khí sinh học dù nước này đã tham gia Hiệp ước về việc sử dụng vũ khí sinh học (cấm sản xuất, phát triển, dự trữ và sở hữu vũ khí sinh học) vào năm 1987. Nghị định thư Geneva năm 1988, cấm các nước sử dụng các chất khí độc, khí gây ngạt... trong chiến tranh. Triều Tiên có khả năng có thể sản xuất các mầm bệnh như bệnh than, bệnh đậu mùa nhưng không thể kết luận các mầm bệnh này có được đem ra chiến trường hay không.
Quân đội chính quy của Triều Tiên có thực lực ra sao?
Quân đội Triều Tiên đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng, với khoảng 1,1 triệu binh sĩ trên toàn quốc (chiếm khoảng 5% dân số). Điều 86 trong Hiến pháp của Triều Tiên nói rằng: "Bảo vệ tổ quốc là nhiệm vụ cao cả và vinh quang nhất của công dân" và điều đó cần tất cả mọi công dân phục vụ trong quân đội. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, từ 2004 tới 2014, Triều Tiên tiêu tốn mỗi năm khoảng 3,5 tỷ USD chi phí cho quân đội.
Mặc dù Triều Tiên không bằng các nước láng giềng hay những kẻ địch của họ về mặt tài chính và các chuyên gia quốc phòng nói họ được trang bị các khí tài và kỹ thuật lạc hậu nhưng sự triển khai quân đội và các tên lửa nhắm vào Seoul bảo đảm quân đội chính quy của Bình Nhưỡng luôn gây bất an cho người láng giềng phía nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis cảnh báo nếu xảy ra cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên thì sẽ là "một thảm họa". Ông nói Triều Tiên là "một mối đe dọa cấp bách và nguy hiểm nhất cho hòa bình và an ninh".
Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Triều Tiên triển khai rất nhiều khẩu đội pháo gần và dọc theo biên giới với Hàn Quốc và cũng sử dụng những tên lửa loại thường để nhắm vào Hàn Quốc và Nhật Bản với mục đích ngăn cản những cuộc tấn công tiềm tàng. Theo báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ vào năm 2015 và của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc năm 2016 thì Triều Tiên có hơn 1.300 máy bay, gần 300 chiếc trực thăng, 430 tàu chiến, 250 tàu đổ bộ, 70 tàu ngầm, 4.300 xe tăng, 2.500 xe thiết giáp và 5.500 súng phóng rocket. Các chuyên gia cũng dự tính Triều Tiên có hơn 1.000 tên lửa các loại.
Triều Tiên có khả năng đe dọa an ninh thông tin? Triều Tiên phát triển khoa học máy tính và khả năng tấn công mạng với sự trợ giúp từ Trung Quốc và Liên Xô vào giữa thập niên 1980-1990. Đầu tiên, các cuộc tấn công mạng của Triều TIên chủ yếu là tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) - chặn các website bằng cách làm quá tải đường truyền. Điều này chỉ ra rằng các cuộc tấn công ban đầu vẫn chưa ở mức tinh vi.
Theo chuyên gia phương Tây, hoạt động trên mạng của Triều Tiên tiến bộ hơn nhờ sử dụng các cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, thường thì ở Trung Quốc nhưng cũng có thể tới từ các nước thứ 3 như Malaysia, giúp họ tránh khỏi các cuộc trả đũa. Trong vài năm gần đây, các cuộc tấn công mạng ở Hàn Quốc hay các đơn vị truyền thông như cuộc tấn công năm 2014 vào Sony Pictures được quy trách nhiệm cho các nhóm có liên hệ chặt chẽ với Triều Tiên.
Có chứng cứ cáo buộc Triều Tiên liên quan tới vụ lấy 81 triệu USD trong tài khoảng của Ngân hàng Trung ương Bangladesh tại Cục dự trữ Liên bang Mỹ ở New York. Những hoạt động trên mạng của Triều Tiên rõ nét hơn khi: các nhà nghiên cứu liên hệ Triều Tiên với số lượng của các sự cố về tài chính liên quan tới mạng. Hàn Quốc cũng tố cáo Triều Tiên đã đột nhập được vào hệ thống mạng an ninh quốc phòng của họ vào tháng 12.2016. Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định: "Triều Tiên có vẻ đã đầu tư mạnh về việc phát triển khả năng tấn công mạng cho cả mục đích chính trị và quân sự".
Giám đốc của CFR về Chương trình Chính sách số và Không gian mạng nói rằng Bình Nhưỡng và các chính phủ liên quan tới không gian ảo coi các cuộc tấn công mạng như một sự tìm kiếm nguồn tài chính và là phương tiện để ngăn cản kẻ thù có xung đột về quân sự. Đồng thời đáp ứng nhu cầu được coi là một đối thủ có khả năng và nguy hiểm.
Điều gì khiến đất nước Triều Tiên quân sự hóa? Triết lý phổ biến của Triều Tiên là tự lực tự cường và quân sự đi trước, chính trị theo sau. Quân đội đóng vai trò chính trong các động thái chính trị và được nắm chắc trong tay của lãnh đạo Triều Tiên. Các lãnh đạo Triều Tiên tin rằng những lực lượng thù địch luôn có thể mở một cuộc tấn công. Và kết quả là trong mắt Bình Nhưỡng phương pháp duy nhất để thể chế tồn tại là phát triển khả năng quân sự vốn không cân xứng sao cho ngang bằng với những lực lượng đe dọa họ. Trong vài thập kỷ kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc, chế độ Bình Nhưỡng phát triển cô lập với thế giới phần lớn vì chính sách theo đuổi hạt nhân và những khiêu khích về mặt quân sự. Kinh tế của 25 triệu dân số Triều Tiên ngày càng rời xa sự phát triển của kinh tế thế giới, với nguồn lực rất hạn chế để đạt được nhu cầu có một đồng tiền mạnh. Bất chấp tình trạng nghèo khó, Bình Nhưỡng vẫn giữ chiến lược quốc gia vừa xây dựng kinh tế, vừa phát triển lực lượng hạt nhân.
Kể từ khi nắm quyền, ông Kim Jong-Un cho công khai các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Ông Kim Jong-Un đang vật lộn để mang lại cho nền kinh tế những gì ông hứa. Các cuộc trình diễn quân sự, đặc biệt là hạt nhân là biện pháp mà nhà lãnh đạo trẻ củng cố và chứng tỏ quyền lực. Chương trình hạt nhân có 2 mục đích: ngăn chặn những đe dọa bên ngoài nhưng đồng thời cũng củng cố sức mạnh và hình ảnh trong nước. Bruce Bennett - nhà nghiên cứu chính tại tập đoàn RAND nói rằng: "Kim Jong-Un tin tưởng vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo để chế độ của ông có thể tồn tại".
Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nắm quyền, Triều Tiên không còn sự mập mờ trong việc triển khai các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa. Thay vào đó, họ chỉ đạo các cuộc thử nghiệm bất cứ khi nào thấy cần thiết. Theo giáo sư Siegfried Hecker của đại học Stanford: "Kho tên lửa của Triều Tiên đang là mối đe dọa lớn hơn với Hàn Quốc và nước còn lại trong khu vực" . Các lệnh trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng có vẻ càng mang thêm động lực cho ông Kim Jong-Un củng cố sức mạnh quân sự.